3 người phụ nữ vĩ đại của lịch sử Việt Nam

12:18 | 06/07/2022

Tình mẫu tử luôn là thứ tình cảm thiêng liêng, tình mẹ luôn mênh mông và dào dạt như ‘nước trong nguồn chảy ra’, nhắc đến nghĩa mẹ, chúng ta không thể không nhắc đến những người mẹ vĩ đại trong lịch sử Việt Nam.


Thái hậu Từ Dụ

Bà tên thật là Phạm Thị Hằng (1810 – 1902), là trưởng nữ của quan Lễ bộ thượng thư Phạm Đăng Hưng, từ nhỏ đã nổi tiếng hiếu đễ. Năm 14 tuổi, bà được tuyển làm thiếp cho hoàng tử Miên Tông (sau là vua Thiệu Trị). Khi chồng lên ngôi, bà chỉ là cung tần, nhưng nhờ thông minh và đức hạnh nổi bật, vua Thiệu Trị ngày càng yêu mến, tin cẩn và nâng bà lên hàng nhị giai phi, rồi phong Nhất giai Quý phi, đứng đầu các phi hàng nhất giai.

Khi vua ngự ở Khâm Văn điện nghe chính sự cùng các cơ mật đại thần, Quý phi được lệnh ở sau rèm cùng nghe. Sau đó khi vua hỏi, bà thuật lại không sai một chữ và có thể đưa ra lời khuyên giải. Ở ngôi cao, bà vẫn luôn thể hiện lòng nhân từ với mọi người trong cung, chăm nom, yêu mến tất cả các hoàng nam, hoàng nữ dù không do mình sinh hạ.

Khi lên ngôi, vua Tự Đức con trai bà muốn tấn tôn mẹ là thái hậu nhưng hết lần này đến lần khác bà chối từ, hai năm sau mới chấp nhận. Thái hậu Từ Dụ thường nhắc nhở Tự Đức về đạo làm vua, “phải dùng những ông quan thanh liêm, có lòng nhân nghĩa để lương dân bớt khổ”. Và dù con là bậc chí tôn, bà vẫn dạy dỗ nghiêm khắc.

Có lần Tự Đức đi săn, gặp phải nước lụt không kịp về cung trong khi chỉ 2 ngày nữa là giỗ Thiệu Trị. Nửa đêm về đến nơi, vua vội đi thẳng sang cung mẹ, lạy xin chịu tội. Đức Từ Dũ ngồi xoay mặt vào màn, im lặng. Vua bèn lấy cây roi mây dâng lên rồi nằm xuống xin chịu đòn, bà mới quay ra bảo: “Thôi, tha cho! Đi chơi để cho quan quân cực khổ thì phải ban thưởng cho người ta, rồi sớm mai đi hầu kị”. Đêm đó vua phải thức rất khuya để thực hiện những điều mẹ dạy.

Bà cũng nhắc vua Tự Đức về sở thích đi săn: “Vật cũng như người, bắn chết con trống thời con mái thương nhớ, bắn con thời con mẹ thảm buồn, rứa thời bắn mà làm chi? Muốn tập bắn thời bắn súng điểu thương cho quen, bắn bia hay hơn”.

Từ Dụ thái hậu nổi tiếng về lối sống tiết kiệm. Có lần Tự Đức thấy cái túi đựng kính của mẹ cũ quá, nhiều chỗ sứt chỉ, bèn xin đổi cái khác. Thái hậu nói: “Nếu đổi cái đãy mới thì lâu rồi nó cũng sẽ cũ như rứa. Chi bằng cứ để nó mà dùng có tiện hơn không”. Hằng ngày, cung nhân dâng đèn sáp để thắp sáng, bà cho cất bớt đi, lâu ngày dồn được nhiều lại đem vào kho của triều đình.

Tiết kiệm như vậy một phần vì thái hậu rất thương dân. Việc bà luôn từ chối làm lễ mừng thọ cho mình cũng vì không muốn làm khổ dân.  Bởi vậy, vua Tự Đức rất tôn kính mẹ, những lời mẹ dạy đều được ông ghi vào sách Từ huấn lục.

Mẹ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm

Bà tên là Nhữ Thị Thục, người huyện Tiên Minh, xứ Hải Dương (nay là huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng), là con gái quan Thượng thư bộ Hộ Nhữ Văn Lan. Nổi tiếng là nữ lưu phong vận tài hoa bậc nhất chốn kinh kỳ thời bấy giờ, bà không chỉ hay chữ và có tài thơ văn mà còn có tiếng xem tướng giỏi.

Cũng vì khó có ai lọt mắt xanh nên bà Nhữ Thị Thục lấy chồng muộn. Điều khiến ai nấy kỳ lạ là bà chọn kết duyên với ông Nguyễn Văn Định, một thầy đồ ít tiếng tăm, xuất thân bình thường. Tương truyền, bà chọn ông vì cho rằng người này có tướng sinh quý tử, thậm chí còn tính toán chọn ngày giờ hợp cẩn để sinh ra Nguyễn Bỉnh Khiêm.

Đặt kỳ vọng lớn vào con trai, bà dồn tâm sức dạy dỗ rất kỳ công, từ những bài hát ru, những câu dân ca, những câu thơ do mình sáng tác đến các sách kinh điển. Đến khi thấy kiến thức của mình không còn đủ nữa, bà gửi Nguyễn Bỉnh Khiêm cho những nhà nho nổi danh dạy dỗ.

Nói về kỳ vọng của bà Thục đối với con trai, trong dân gian có kể, một hôm bà đi vắng, ông Định ở nhà với con, tình cờ hát: “Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung”. Nguyễn Bỉnh Khiêm đối lại: “Vịn tay tiên, nhè nhẹ rung”. Khi vợ về, ông Định đắc ý kể lại, không ngờ bà thở dài: “Nuôi con mong làm vua làm chúa, cớ sao lại mong làm bầy tôi“ (nguyệt chỉ bầy tôi).


Có lần bà dạy Bỉnh Khiêm câu hát: “Bống bống bang bang, ngày sau con lớn con tựa ngai vàng”. Ông Định rất sợ triều đình bắt tội nên sửa lại thành “vịn ngai vàng”.

Sau nhiều mâu thuẫn như vậy, bà Thục bỏ nhà đi, nên Nguyễn Bỉnh Khiêm lớn lên chỉ được ở gần bố. Tuy vậy, từ nền tảng do người mẹ hun đúc, ông trở thành một tài năng lớn đến vua chúa cũng kính nể.

Tại hội thảo “Vai trò của người mẹ và dòng họ ngoại với danh nhân Nguyễn Bỉnh Khiêm”, cố giáo sư sử học Trần Quốc Vượng từng nhận xét, bà Nhữ Thị Thục là một trong 3 người phụ nữ nổi tiếng, tài trí hơn người của Việt Nam thế kỷ 16, bên canh nữ trạng nguyên Linh phi Nguyễn Thị Duệ và Quận công Nhữ Thị Thuận.

Nàng Tô Thị

Thời Hậu Lê đời Dụ Tông năm Vĩnh Thịnh thứ 14 (1718) có ông Tán Lý quân vụ họ Tô từ kinh sư đi dẹp giặc đóng quân ở châu Hạ Lang, ông nạp người con gái xã Đồng Loan là Thị Đề làm thiếp. Năm 26 tuổi sinh được một người con gái đặt tên là Tô Thị Huệ người thông mẫn tháo vát lạ thường, nhan sắc tuyệt thế. Đến năm Lê Thuần Tông niên hiệu Long Đức thứ 2 (1733) thì đưa tiến vào làm cung phi, được sủng hạnh yêu quý vô cùng.

Được hơn năm, nàng phụng chỉ về quy ninh (thăm quê), đi qua xứ Khâu Lư, Lạng Sơn thì nghe tin vua Lê mất, nàng lên núi hướng về phía kinh thành đứng mãi trông mà hóa đá. Sau dân chúng lập đền thờ ở chân núi Xuân Sơn xã Đồng Loan để phụng tự. Triều Lê phong nàng là Tô Thị Phúc Thần (theo thư tịch cổ Tỉnh Cao Bằng).

Nằm trong quần thể di tịch động Tam Thanh thuộc phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn có núi Tô Thị hay còn gọi là núi Vọng Phu. Trên đỉnh núi có một khối đá tự nhiên hình một người phụ nữ bồng con hướng nhìn về phương xa. Từ xưa tượng đá này đã gắn với truyền thuyết về một người con gái chung thuỷ đứng chờ chồng đi lính (?). Chờ mãi không thấy chồng về, nàng và con đã hoá thành đá, từ đó người dân gọi đây là tượng Nàng Tô Thị.

Ca dao Việt Nam xưa khi nói về Lạng Sơn có câu: “Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa/ Có Nàng Tô Thị, có chùa Tam Thanh”.

Tuy nhiên, ngày 27/07/1991, tượng đá nàng Tô Thị đã bị sụp đổ, và có hai người bị bắt vì nghi ngờ phá tượng để nung vôi, vì thế mà câu ca dao bị đọc chệch đi: “Đồng Đăng có phố Kì Lừa/ Có Nàng Tô Thị, nó vừa nung vôi”.

 

Lan Hòa tổng hợp

 

Video hay

Cùng chuyên mục

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

Thủ tướng chỉ đạo những nhiệm vụ chiến lược, quan trọng để Lạng Sơn phát triển nhanh, bền vững

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ