Dù bị khiếm thị nhưng vợ chồng cụ ông Bùi Doãn Thụ, bà Trịnh Thị Mai (Tây Hồ, Hà Nội) vẫn hàng ngày mưu sinh bằng gánh chổi. Đằng sau đó là câu chuyện tình đẹp khiến nhiều người không khỏi ngưỡng mộ.
Mưu sinh bằng nghề bán chổi
Tại ngã 3 chợ Yên Phụ (phường Yên Phụ, quận Tây Hồ, Hà Nội), người dân không ai không biết đến hoàn cảnh của vợ chồng ông Bùi Doãn Thụ (71 tuổi), bà Trịnh Thị Mai (69 tuổi). Hai ông bà đều bị mù cả hai mắt. Họ đã sống bằng nghề bán chổi được 28 năm, từ lâu có tiếng trong vùng.
Ông Thụ đều đặn cứ 2h chiều mỗi ngày đều ra ngã ba chợ để bán hàng. Đến chập tối, chị Thuỷ – con gái ông, sẽ tới đón ông. Có những lúc con gái đi làm về muộn, ông tự dò dẫm đường đi về mà không cần ai giúp đỡ.
Vách trên vai tầm chục cái chổi, thêm vài chiếc hốt rác và chổi lông gà, ông đã nuôi nấng con cái bằng chính nghề này. Mỗi ngày, ông bán được 5,6 cái chổi nhưng cũng có hôm không bán được cái nào.
Ông Thụ kể, trước đây còn khỏe mạnh, vợ chồng ông có thể đi bán xa hơn, người xách chổi, người xách giỏ bông tai. Tuy nhiên, vì vợ ông mấy năm trở lại đây bị thần kinh tọa, sức khoẻ giảm sút, hay đau nhức xương khớp nên hiện tại, chỉ còn một mình ông bán chổi tại ngã 3 chợ Yên Phụ.
“Ngày xưa vợ chồng tôi còn lên phố Yên Phụ nhỏ, xuống Châu Long, Hoè Nhai, đi Quang Thánh, Phan Đình Phùng. Nhưng dạo này chân đau nên tôi cũng chỉ quanh quẩn ở đây cho gần nhà”, ông Thụ kể.
Vợ chồng ông Thụ làm nghề gia công và bán chổi từ năm 1994, từ khi cô con gái ông còn bé. Trước đó, ông bà còn làm tăm và các sản phẩm thủ công khác để bán thêm.
Những chiếc chổi của ông ban đầu chỉ là hàng thô được lấy về từ những người thợ thủ công. Để sản phẩm hoàn chỉnh hơn, ông Thụ gia công thêm công đoạn lọc bụi bẩn trên chổi và dùng thép đan. Phải mất gần nửa tiếng, ông mới hoàn thành 1 cái chổi. Mỗi chiếc chổi của ông được bán ra có giá 50.000 đồng/chiếc.
“Làm như này sản phẩm của mình mới khác ngoài thị trường. Mình phải làm sạch sẽ và cẩn thận thì bà con mua mới dùng được bền. Nếu dùng thấy bảo đảm thì họ sẽ quay lại mua. Đôi khi cũng có đồng bào vào mua giúp tận nhà, mình đỡ mất công đi ra chợ”
Chị Nguyễn Thị Tuyết, tiểu thương bán hàng tại ngã 3 chợ Yên Thụ cho biết: “Dù mưa hay nắng, hôm nào vợ chồng ông cũng bán ở đây. Nhưng gần đây bà đau chân nên chỉ thấy ông đứng bán ở ngã ba chợ. Ông bà thương yêu nhau lắm, đi đâu cũng có nhau. Người dân ở đây ai cũng biết đến hoàn cảnh của ông bà nên cũng thường xuyên mua chổi ủng hộ. Họ bị mù mà vẫn chăm chỉ bán hàng như vậy nên ai cũng yêu mến”.
Sau khi câu chuyện của vợ chồng ông Bùi Doãn Thụ, bà Trịnh Thị Mai được một người quen chia sẻ trên mạng xã hội đã có rất nhiều người đến tìm mua đặt hàng. Nhờ vậy có hôm ông không phải đi chợ để bán mà có người tới tận nơi lấy về. “Bán được nhiều hàng cũng vui lắm, sức lao động của mình được công nhận, mình kiếm tiền dựa vào sức khoẻ của bản thân. Đôi khi không bán được cái nào cũng buồn nhưng nếu không đi thì buồn tay buồn chân lắm”- ông Thụ chia sẻ.
Cuộc sống hạnh phúc
Khi lên 3 tuổi, ông Thụ từng bị lên sởi. Nhà nghèo, không có tiền chạy chữa, lâu ngày mắt ông mờ dần rồi bị mù vĩnh viễn. Sau này, tham gia vào Câu lạc bộ người khiếm thị, ông Thụ gặp bà Mai, người phụ nữ có cùng số phận kém may mắn như ông. Cũng từ đó, ông bà quen biết nhau rồi nên duyên vợ chồng, sinh ra cô con gái duy nhất là chị Thuỷ.
Cũng giống như chồng, bà Mai bị hỏng giác mạc từ năm 22 tuổi- độ tuổi tươi đẹp nhất của đời người. Dù đã được đưa đến bệnh viện nhưng bà vẫn không thể lấy lại được thị lực do bị liệt dây thần kinh số 7, hỏng võng mạc tận bên trong đáy mắt. Sau này, bà phẫu thuật 3-4 lần tại Bệnh viện Mắt Trung ương nhưng vẫn không thể cứu vãn tình hình.
Theo lời bà Mai kể lại, dù trước đó gia đình 2 bên không đồng ý cho qua lại nhưng sau này, vì tình yêu quá lớn, ông bà vẫn quyết định đi đến hôn nhân, trở thành chỗ dựa cho nhau vào năm 1983. Trong hình dung cua bà Mai, chồng bà là người đàn ông khoẻ mạnh, hiền lành, chịu khó.
Suốt những năm tháng hôn nhân, ông bà mưu sinh bằng nghề bán chổi. Dìu nhau dọc các con phố ở Tây Hồ để bán. Sau này bà bị bệnh, sức khoẻ của ông yếu đi thì chỉ còn ông Thụ đi bán.
Dù đã kết hôn được gần 40 năm nhưng cặp vợ chồng này rất hiếm khi lời qua tiếng lại. Mọi công việc trong gia đình đều luôn có sự giúp đỡ, vun vén của cả hai.
Chị Thuỷ, con gái duy nhất của ông bà, đầy hạnh phúc khi nhắc về chuyện tình của bố mẹ: “Bà đi đâu thì luôn có ông đi theo, bà nấu cơm thì ông sẽ nhặt rau. Mỗi lần lên gác phơi đồ, ông cũng đều theo bà. Công việc gia công chổi và bán chổi, ông bà vẫn làm cùng nhau. Tôi cũng chỉ mong bố mẹ tôi có nhiều sức khoẻ để có thể làm được công việc mình yêu thích”.
Khi được nhắc đến việc nghỉ làm chổi, ông Thụ lắc đầu tỏ ý chưa muốn. Với cái nghề đã theo ông hơn nửa đời người, ông bà vẫn muốn duy trì công việc này cho đến khi không thể làm được nữa.
“Ở nhà nhiều trì trệ, mệt người lắm. Nếu có mảnh đất nhỏ nhỏ làm vườn thì còn có việc, nhưng chẳng có gì cả. Ăn xong rồi lại nằm ngồi chỉ thêm sinh bệnh nên tôi cứ đi bán như thế cho được vận động mà cũng kiếm thêm một chút tiền để lo cho 2 ông bà già”- ông Thụ chia sẻ.
Theo Công luận
https://congluan.vn/28-nam-ben-nhung-chiec-choi-cua-doi-vo-chong-gia-khiem-thi-post191051.html