25 cuốn sách cổ quý giá ‘biến mất khỏi kho lưu trữ’

10:31 | 22/12/2022

Dư luận đang rất quan tâm trước thông tin 25 cuốn sách cổ quý giá của Viện Nghiên cứu Hán Nôm ‘biến mất khỏi kho lưu trữ’, sau khi TS Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng phụ trách Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đưa tin trên trang Facebook cá nhân.


Cụ thể, từ tối 20/12 đến sáng 21/12, TS Nguyễn Xuân Diện, đã thông tin trên trang cá nhân về việc 25 cuốn sách cổ cực kỳ quan trọng của văn hiến dân tộc biến mất khỏi kho lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm, trong đó có 4 cuốn Toàn Việt thi lục thuộc 3 bộ khác nhau.

Toàn Việt thi lục do Nhà bác học Lê Quý Đôn soạn. Soạn xong năm 1768 và đã dâng lên để Vua Lê Hiển Tông đọc, nhưng chưa được khắc in. Bộ sách có quy mô đồ sộ với 2303 bài thơ của 173 tác giả từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI, với số lượng văn bản còn lại lớn nhất (trên 11000 trang nguyên bản, kể cả các dị bản), chưa từng được biên dịch và công bố toàn bộ.

Thông tin của TS Nguyễn Xuân Diện, Phó phòng phụ trách Phòng Văn bản học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, gây sự chú ý lớn của dư luận

Toàn Việt thi lục là sách viết tay. Bộ sách là kho báu của nền văn hoá dân tộc Việt Nam, đỉnh cao về quy mô sưu tập và tính khoa học; là một trong những bộ sách gốc về thơ chữ Hán của Việt Nam từ thế kỷ X đến thế kỷ XVI và là một tài liệu hết sức quý để nghiên cứu văn hiến Việt Nam. Với 2303 bài thơ của nhiều triều đại, Toàn Việt thi lục chuyển tải thông điệp, hồn cốt, tình tự, khí phách, tiếng lòng của cổ nhân tới hậu thế.

Những thông tin của TS Nguyễn Xuân Diện đã gây sự chú ý lớn của dư luận, với hàng trăm lượt chia sẻ và bình luận.

Ngày 21/12, Viện Nghiên cứu Hán Nôm đã ra thông cáo về sự việc 25 cuốn sách cổ đang lưu giữ tại cơ quan này bị thất lạc. Theo đó, việc mất 25 cuốn sách đang được tổ chức giải quyết, đã công khai thông tin trong nội bộ đơn vị và báo cáo cấp trên.

“25 quyển sách này đã có bản scan màu hoặc bản photocopy làm từ trước (tức là nội dung sách không bị mất), tuy nhiên việc tìm kiếm các cuốn sách thất lạc vẫn đang được Viện đặt lên hàng đầu, bao gồm cả việc rà soát trên giá một lần nữa để tránh tình trạng sách bị lẫn giá.

Thời điểm sách bị thất lạc (mất, không thấy trên giá) tạm thời được xác định là khoảng 5 năm gần đây. Viện đã và đang tổ chức rà soát lại để tìm sách, xác định giá trị nội dung từng sách (qua các bản scan hoặc photocopy còn lưu) và xác định trách nhiệm liên quan”, thông cáo của Viện Nghiên cứu Hán Nôm nêu rõ.

Phát hiện có việc thất lạc sách từ cách đây hơn 2 năm

Trong thông tin gửi tới báo chí vào sáng ngày 21/12, liên quan tới 25 cuốn sách quý bị thất lạc tại viện mình, PGS Nguyễn Tuấn Cường, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hán Nôm cho biết, thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam phân công, Viện Nghiên cứu Hán Nôm là đơn vị bảo quản các tài liệu Hán Nôm gồm gần 35.000 cuốn sách và gần 60.000 thác bản văn bia đã có biên mục; đồng thời mở cửa thư viện để các tổ chức, nhà nghiên cứu và các cá nhân trong và ngoài nước quan tâm đến văn bản cổ của dân tộc có cơ hội tiếp cận tài liệu.

Tờ bìa Toàn Việt thi lục lưu tại Thư viện Quốc gia Việt Nam.

Một trang “Toàn Việt thi lục”

Một tài liệu Hán Nôm được số hóa để lưu trữ

Nhằm bảo quản các tài liệu quý hiếm, tài liệu gốc đều được lưu tại Phòng Bảo quản. Viện tổ chức phục vụ bạn đọc nghiên cứu chủ yếu thông qua bản photocopy. Bạn đọc muốn tiếp cận tài liệu gốc cần có phê duyệt bằng văn bản của lãnh đạo Viện.

Theo thông tin do bộ phận liên quan báo cáo, khoảng tháng 3 – tháng 4/2020, cán bộ quản lý kho sách phát hiện có dấu hiệu không tìm thấy một số cuốn sách ở vị trí quy định trên giá. Thời điểm phát hiện đang trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp.

Ngay sau khi nhận được thông tin, lãnh đạo Viện đã làm việc với người quản lý kho sách để chấn chỉnh, dự kiến các giải pháp điều chỉnh quy trình quản lý sách tránh thất thoát; đồng thời lên kế hoạch tổng kiểm kê nhằm tìm kiếm các cuốn sách bị lạc và đối soát tất cả các văn bản khác đang lưu trữ tại Viện.

Đến tháng 4/2022, sau khi có thể khôi phục điều kiện làm việc bình thường, Viện đã cho tổng kiểm kê toàn bộ kho sách Hán Nôm. Đây là lần tổng kiểm kê đầu tiên trong hơn 10 năm qua.

Thông qua 3 tháng rà soát, phát hiện không thấy trên giá 29 quyển (tập sách đóng rời), trong đó có 13 quyển thuộc kho A và kho V, 16 quyển thuộc kho ST. Về thác bản bia thì thiếu 6 thác bản. Số sách ít nhiều bị xuống cấp, hư hại vật lý (theo tình trạng tự nhiên của bảo quản) là khoảng 4.000 quyển (hơn 10% số sách gốc), có thể bị rách một vài trang, bị hỏng bìa chưa tu bổ, hoặc bị mủn, mối mọt một vài trang hoặc toàn quyển (nhóm này cần thực hiện tu bổ sớm để bảo quản lâu dài).

Toàn bộ sự việc đã được báo cáo chi tiết trong buổi họp chi bộ và họp cán bộ chủ chốt, hội đồng khoa học của cơ quan ngày 14 và 15/7.

Sau đó, Viện vẫn tiếp tục cho rà soát, tìm thêm được 4 quyển (do để sai chỗ trên giá). Như vậy, tổng số sách chưa thấy trên giá (mất, hoặc thất lạc) hiện là 25 quyển. Về thác bản bia thì đã tìm được 4 thác bản (trước đó không tìm thấy do để sai chỗ), còn 2 thác bản bị mất nhưng đã có thác bản dự bị đem ra sử dụng.

Tiếp tục rà soát tìm sách và xác định trách nhiệm các bên liên quan

Cũng theo PGS Nguyễn Tuấn Cường, sau sự việc trên, ngày 30/9, Viện đã ký văn bản bàn giao kho sách cho người quản lý mới. Đồng thời, Viện đã tổ chức làm vách ngăn để chia các phân kho, thay đổi quy trình quản lý sách gốc, giao trách nhiệm quản lý kho cụ thể, tránh nguy cơ tiếp tục thất thoát tài liệu.

Sau đó, Viện tiếp tục cho kiểm kê kho sách tại thư viện (gồm sách tiếng Việt và ngoại ngữ, không phải sách Hán Nôm) để thực hiện tổng kiểm kê tài liệu. Viện dự định sẽ báo cáo tổng hợp toàn bộ các tài liệu, bao gồm tài liệu Hán Nôm và tài liệu mới. Công việc kiểm kê kho sách mới tại thư viện dự kiến hoàn thiện trong đầu năm 2023.

Ngày 15/12, Viện đã có công văn báo cáo cấp trên về sự việc 25 cuốn sách để xin ý kiến giải quyết.

Sau đó, Viện đã báo cáo tình hình kho sách với toàn cơ quan trong cuộc họp tổng kết đơn vị, có đại diện lãnh đạo Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam tham dự, vị lãnh đạo này cũng đã có ý kiến chỉ đạo Viện tiếp tục rà soát tìm sách, xác định trách nhiệm của các bên liên quan. Viện sẽ lập hội đồng riêng để xem xét cụ thể vấn đề này. Sự việc đang được tổ chức giải quyết.

Viện Nghiên cứu Hán Nôm trực thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, là nơi tổ chức nghiên cứu, khai thác và biên dịch, xuất bản di sản Hán Nôm của dân tộc, đào tạo cán bộ nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, phục chế, nhân bản, góp phần phát triển văn hóa của dân tộc.

Nguyễn Đình

Nguồn Báo Công luận

https://www.congluan.vn/25-cuon-sach-co-quy-gia-bien-mat-khoi-kho-luu-tru-post227746.html#p-0


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam