24 năm “rọi đèn” đưa trẻ đến trường

9:28 | 05/01/2022

24 năm gắn bó với ngành, thầy Phạm Thành Tấn – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phạm Kiệt (huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) không nhớ đã bao lần “băng đèo, vượt suối” đến nhà vận động học sinh miền núi trở lại lớp.


Thầy Tấn (thứ 2, từ phải sang) cùng các giáo viên đến nhà học sinh.

Chính vì điều này, thầy Tấn luôn được bao thế hệ học trò nhắc đến với hình ảnh là một người thầy tận tụy, tận tâm với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu.

Thương trò như thương con ruột

Với tâm niệm “tận tâm với nghề, thương học trò như thương con ruột”, hàng chục năm qua, thầy Phạm Thành Tấn (SN 1973) – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Phạm Kiệt vẫn luôn lấy đó làm kim chỉ nam trong sự nghiệp “trồng người” của mình. Nhờ sự cống hiến trong chuyên môn cùng những sáng tạo, đổi mới trong công tác dạy học của thầy, Trường THCS và THPT Phạm Kiệt dần trở thành một trong những điểm sáng của ngành Giáo dục tỉnh nhà.

Thầy Tấn sinh ra và lớn lên ở thôn An Thọ, xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Xuất thân từ gia đình nông dân nghèo, có 7 anh chị em, thầy là con út trong gia đình. Mồ côi mẹ khi mới được 15 tháng tuổi, thầy Tấn sống cùng ông, bà nội, bố và 6 anh chị. Thiếu thốn tình thương của mẹ ngay từ nhỏ, cùng với đó là những khó khăn của cuộc sống khiến thầy Tấn quyết chí học tập, để lớn lên có được một công việc làm ổn định, giúp đỡ gia đình.

Thầy Tấn (thứ 3, từ trái qua) đến nhà vận động các em học sinh đến trường.

Thầy Tấn tâm sự: “Ngày đó, tôi theo học tại trường huyện, điều kiện cơ sở vật chất nhà trường cũng rất khó khăn, toàn mái tranh vách đất, học sinh nghèo khó, thiếu thốn trong việc học. Hình ảnh đó, cứ hiện mãi trong suy nghĩ của bản thân tôi. Ngay từ lúc đó tôi chỉ mong ước mình học thật tốt để lớn lên trở thành một giáo viên giỏi rồi từ đó mới có thể giúp đỡ phần nào cho thế hệ sau”.

Ý chí và nguyện vọng của chàng trai nghèo ngày ấy đã đạt được. Tốt nghiệp ngành Sư phạm ra trường, từ năm 1997 – 2018, thầy Tấn được phân công về giảng dạy tại Trường THPT Ba Gia, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi và sau đó giữ chức vụ Phó Hiệu trưởng trong 10 năm.

Đến năm 2018, thầy được điều đến công tác tại Trường THCS và THPT Phạm Kiệt, huyện Sơn Hà, một huyện miền núi còn nhiều khó khăn của tỉnh Quảng Ngãi.

Giảng dạy ở địa bàn miền núi còn nhiều khó khăn là một nỗi niềm trăn trở đối với người làm cương vị quản lý. Thế nhưng, bằng tình cảm và niềm thương yêu học sinh như con ruột của mình, thầy Tấn cùng đội ngũ giáo viên của trường đã cố gắng đi đầu trong công việc, quyết tâm xây dựng và phát triển trường học khu vực miền núi.

Thầy Tấn (ngoài cùng bên phải) trao quà từ thiện cho các em học sinh.

“Với 24 năm dạy học và trên cương vị quản lý, những kỷ niệm trong nghề của tôi không ít, trong đó kỷ niệm đáng nhớ vẫn là thời gian giảng dạy, quản lý hơn 3 năm tại khu vực miền núi. Việc tôi cùng các giáo viên trong trường đi về thôn bản xa xôi, địa hình hiểm trở để vận động học sinh ra lớp là chuyện “như cơm bữa”.

Hằng ngày, các thầy cô giáo phải dạy học trên lớp học, đến đêm về lại ngược đường lên các vùng cao, vùng xa để thăm hỏi, động viên, giúp đỡ, tặng quà cho học sinh, với mong muốn các em được đến trường, hạn chế tình trạng bỏ học sớm, tảo hôn”, thầy Tấn nhớ lại.

Nhiều cô giáo, chân yếu tay mềm vượt đèo, lội suối, nhiều hôm bị trượt ngã, chấn thương. “Là một người quản lý, khi chứng kiến cảnh đó tôi thấy rất xót xa, vì vậy tôi luôn đồng hành và chia sẻ gánh nặng trong công việc với anh chị giáo viên”, thầy Tấn chia sẻ.

Cũng chính có những buổi “trèo đèo, lội suối” như vậy mà các giáo viên được tiếp cận với phụ huynh, hiểu rõ tâm tư, tập tục, đặc biệt là học được nhiều câu nói chân thật của người đồng bào địa phương.

“Đây có lẽ là những kỷ niệm, những hoạt động đọng mãi trong lòng của chúng tôi. Những hoạt động này cũng làm cho anh chị em đang công tác trên các trường vùng sâu, vùng xa xích lại gần nhau hơn, thông cảm với nhau hơn. Từ đó, họ có được sự đoàn kết trong suy nghĩ và hành động”, thầy Tấn bộc bạch.

Thầy Tấn (áo trắng) cùng các giáo viên tổ chức nấu Nồi cháo tình thương cho học sinh bán trú.

Vững nghề từ cái “tâm” đến cái “tầm”

Gần 25 năm trong nghề giáo, nhiều chuyện buồn vui thầy Tấn đều đã nếm trải. Thế nhưng, dù có khó khăn cực khổ bao nhiêu thì thầy vẫn chưa bao giờ bỏ cuộc.

Nếu nói mệt mỏi và hụt hẫng trong công tác “gõ đầu trẻ” thì có lẽ ở thầy Tấn chưa bao giờ gặp bởi vì chính sự nhiệt huyết của các giáo viên trong trường cùng bản thân thầy. “Nói thật, ban đầu mới ra trường, tôi hơi bỡ ngỡ trong công việc, nhưng với sự quyết tâm và yêu nghề, hình như chưa khó khăn nào mà mình chưa vượt qua được trong lĩnh vực công tác. Tôi cảm thấy hạnh phúc khi có nhiều lớp học trò khá thành công, dù các em chỉ được học tập ở một trường huyện. Tôi không nghĩ bản thân mình lại góp công lớn đến vậy, đúng là rất tự hào về những gì đã cống hiến cho thế hệ trẻ”, thầy Tấn chia sẻ.

Thầy Tấn phát biểu tại chương trình Tình nguyện vì học sinh miền núi.

Với cương vị mới, tại đơn vị miền núi thì cống hiến được như ở miền xuôi là điều rất khó khăn. Đây có thể nói là trở ngại lớn trong công việc của thầy Tấn. Song, dù ở đâu, dù trong điều kiện nào, thầy Tấn vẫn luôn cố gắng tìm ra hướng đi tốt nhất, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, nhà trường, đối tượng học sinh; quyết tâm phát huy thế mạnh của đơn vị, đồng thời xóa dần những khiếm khuyết một cách hiệu quả, đưa sự nghiệp giáo dục nhà trường từng bước đi lên.

Không những làm quản lý, thầy Tấn vẫn thường xuyên tham gia công tác giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh, quốc gia.

Mặc dù, điều kiện nhà trường còn rất khó khăn, nghèo nàn nhưng với sự nỗ lực của bản thân thầy, sự đoàn kết, đồng thuận của đội ngũ giáo viên của trường, 3 năm qua, thành tích của trường tiến bộ theo mỗi năm.

Thầy Tấn cùng giáo viên đến trao quà cho phụ huynh học sinh để vận động các em đến trường.

Đặc biệt, trong năm học 2020 – 2021, mặc dù phải tổ chức dạy học trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp nhưng trường đã thực hiện rất thành công nhiệm vụ giáo dục, về đích với thành tích đáng trân trọng như: UBND tỉnh tặng Cờ thi đua, danh hiệu Tập thể Lao động xuất sắc.

Trường được Công an tỉnh Quảng Ngãi tặng Giấy khen đơn vị xuất sắc trong công tác bảo đảm an ninh trật tự năm 2020; UBND huyện công nhận nhà trường đạt tiêu chuẩn “An toàn về an ninh trật tự” năm 2021; UBND huyện công nhận Cơ quan văn hóa 3 năm liền. Công đoàn trường được công nhận Công đoàn vững mạnh xuất sắc cấp tỉnh và dẫn đầu trong Cụm thi đua của các đơn vị miền núi, hải đảo năm học 2020 – 2021.

Theo chia sẻ của thầy Tấn, nghề nào cũng là nghề, nó sẽ được tôn trọng và tôn vinh khi được hun đúc từ “tâm” và “tầm” mà Bác Hồ và bao thế hệ cha anh đã từng nói đó là “đức” và “tài”.

“Đối với nghề “gõ đầu trẻ” thì “đức” vẫn là nền tảng. Một khi “đức” trong sáng sẽ giúp người thầy cảm thấy yêu nghề, yêu người và họ sẽ đem hết trí tuệ để cống hiến cho thế hệ trẻ. Với bản thân tôi, một người làm công tác giáo dục, dù ở đâu, ở cương vị nào cũng không ngại khó, không ngại khổ, phấn đấu cống hiến nhiều hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục, quyết tâm làm thay đổi nhà trường ngày một tốt hơn, học sinh ngày càng được hưởng những điều tốt đẹp hơn trong tương lai”, thầy Tấn khẳng định.

Trong 24 năm công tác trong ngành Giáo dục, thầy Tấn đã đạt được những thành tích:
–  Giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Thành viên của Hội đồng chuyên môn của tỉnh, môn Hóa học. Đã có nhiều sáng kiến chuyên môn được công nhận ở cấp Sở, giúp học sinh tại trường và cán bộ, giáo viên Hóa học tham khảo, nghiên cứu giảng dạy.

– Giúp học sinh nghiên cứu đề tài “Khả năng hút dầu loang bằng hỗn hợp bột bắp và mùn cưa” đoạt giải Nhất cấp tỉnh, lọt vào kỳ thi chung kết cấp quốc gia, năm học 2013 – 2014.

– Đi đầu trong việc bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của Trường THPT Ba Gia dự thi cấp tỉnh và đoạt nhiều giải trong bộ môn Hóa học.

Đặc biệt, năm học 2007 – 2008, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi máy tính cầm tay của tỉnh tham gia kỳ thi khu vực miền Trung, Tây Nguyên môn Hóa học đoạt 4 giải. Năm học 2008 – 2009, tham gia bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi của tỉnh tham gia kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia môn Hóa học, đoạt 3 giải (trong đó có học sinh của Trường THPT Ba Gia).

– Trong công tác quản lý tại Trường THPT Ba Gia, thầy Tấn luôn cố gắng làm hết khả năng để đem lại những thành tích tốt trong chuyên môn: Tham mưu và trực tiếp tổ chức cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp trường, đã góp nhiều sản phẩm vào các kỳ thi Khoa học kỹ thuật cấp tỉnh, cấp quốc gia (3 lần có đội tuyển dự thi quốc gia, trong đó có 2 lần đoạt giải). Thành tích các đội tuyển học sinh giỏi dự thi cấp tỉnh ngày càng cao, sánh vai với các trường tốp đầu trong tỉnh. Xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia…

Theo Giáo dục & Thời đại

Cùng chuyên mục

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI