Sáng 29/5, tại Nhà khách Bộ Quốc phòng 266 – Thụy Khuê – Hà Nội, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và Tạp chí Văn hiến Việt Nam tổ chức Lễ trao Giải thưởng Đào Tấn, nhân kỷ niệm 133 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 23 năm thành lập Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tạp chí Văn hiến Việt Nam.
Đến dự, có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị; Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam Đỗ Hồng Quân; cùng đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành liên quan.
Theo nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc, Tổng biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam, những cá nhân, tập thể được lựa chọn trao Giải thưởng Đào Tấn dựa trên đề cử từ nhiều nguồn khác nhau, như qua giới thiệu của các văn nghệ sĩ; qua truyền thông, báo chí; qua các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành trung ương, địa phương…
Đối tượng được nhận giải có thể là những người âm thầm có nhiều cống hiến cho văn hóa truyền thống dân tộc mà chưa được biết đến nhiều, cũng có thể là những đơn vị hoạt động bán chuyên nhưng có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn, phát triển văn hóa nghệ thuật truyền thống…
Đào Tấn (1845-1907) từng hai lần giữ chức Tổng đốc, bốn lần giữ chức Thượng thư qua ba đời vua triều Nguyễn: Tự Đức, Đồng Khánh, Thành Thái. Ông là một chính khách liêm chính, một nhà yêu nước lớn, thuộc bộ phận những người yêu nước, chống xâm lược Pháp, giành độc lập tự do cho đất nước.
Đào Tấn cũng là một nhà hoạt động nghệ thuật toàn năng thiên tài: Một nhà thơ lớn, một nhà từ khúc vô song, một tác giả và đạo diễn sân khấu với nhiều kiệt tác làm tự hào nền sân khấu dân tộc, hơn 100 năm qua được coi là bậc hậu tổ của nghệ thuật tuồng.
Từ năm 2000, ngay từ khi mới thành lập, Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc và tạp chí Văn hiến Việt Nam đã thành lập Giải thưởng Đào Tấn để trao tặng cho các tập thể, cá nhân có các tác phẩm sân khấu, văn học, hội họa, âm nhạc xuất sắc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, giao lưu hội nhập của đất nước, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống dân tộc.
Đầu tiên Giải thưởng được trao hai năm một lần, từ năm 2005 đến nay được trao một năm một lần. Nhiều trí thức văn nghệ sĩ nổi tiếng trong và ngoài nước đã vinh dự được trao tặng Giải thưởng cao quý này như Giáo sư, Tiến sĩ (GSTS) Trần Văn Khê, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, nhà nghiên cứu Mịch Quang, nhạc sĩ Thuận Yến, GSTS Nguyễn Thuyết Phong, GSTS Thái Kim Lan, nữ danh cầm Mỹ Margaret Bargresser, các Nghệ sỹ Nhân dân (NSND) Võ Sỹ Thừa, Đinh Quả, Đàm Liên, NSND Bạch Tuyết, Nhà hát nghệ thuật Hát bội Thành phố Hồ Chí Minh, Nhà hát Tuồng Đào Tấn, các nhà văn nhà thơ Lê Thành Chơn, Dương Trọng Dật, Nguyễn Thế Kỷ…
Năm nay, giải thưởng Đào Tấn được trao cho 5 đơn vị và 15 cá nhân có những đóng góp xuất sắc , trong đó có đoàn chèo Hưng Yên, làng tuồng Kẻ Gám (Yên Thành, Nghệ An ) và một số đoàn nghệ thuật khác ; các cá nhân như nhà thơ Trần Nhuận Minh, đạo diễn – nghệ sĩ nhân dân Trịnh Thuý Mùi, nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm, soạn giả Hoàng Thanh Du , nghệ sĩ Bình Tinh …
Giải thưởng Đào Tấn lần thứ 15 diễn ra thành công tốt đẹp càng thêm khẳng định GS Viện trưởng, Anh hùng lao động Hoàng Chương; nhà báo, nhà văn, Tổng Biên tập Nguyễn Thế Khoa và các cộng sự, với nhiều hoạt động phong phú trên các lĩnh vực, đã vượt nhiều khó khăn, để duy trì và nâng tầm Giải thưởng Đào Tấn những năm qua, góp phần gìn giữ, nghiên cứu, bảo tồn và phát huy văn hoá dân tộc trong thời kỳ mới.
Kết quả, hội đồng nghệ thuật đã trao giải cho các đơn vị:
Các đoàn nghệ thuật bán chuyên xuất sắc:
Đội tuồng làng Kẻ Gám, xã Xuân Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An
Câu lạc bộ tuồng xã Thạch Lỗi, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương.
Các văn nghệ sĩ xuất sắc:
Cố nhà điêu khắc Nguyễn Sang với bộ tượng danh nhân VN và các bà mẹ Việt Nam anh hùng.
Nhạc sĩ Đình Thậm – tác giả hai ca khúc xuất sắc Thắm mãi tình anh và Đừng tưởng cảm tác từ cuộc đời và tư tưởng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Nhà thơ Trần Nhuận Minh với bộ sách nghiên cứu phê bình: “Thời gian lên tiếng”, “Đi tìm sự thật”, “Đối thoại văn chương” (đồng tác giả Nguyễn Đức Tùng).
Nhà viết kịch Hoàng Thanh Du với kịch bản “Lá đơn thứ 72”, kịch bản về đề tài Chủ tịch Hồ Chí Minh.
PGS.TS, họa sĩ Đoàn Thị Tình với các công trình nghiên cứu: “Trang phục người Việt xưa và nay”, “Hóa trang mặt nạ sân khấu tuồng”, “Mỹ thuật sân khấu Việt Nam”.
Nghệ sĩ Phan Thanh Liêm, người sáng tạo và thực hành xuất sắc sân khấu Sân khấu múa rối nước thu nhỏ trong và ngoài nước 20 năm qua.
Nghệ sĩ Bình Tinh, nghệ sĩ đã vượt mọi khó khăn, mất mát đau thương do dịch bệnh COVID-19, duy trì sự tồn tại và phát triển của Đoàn Cải lương Tuồng cổ Huỳnh Long TP HCM.
Nghệ sĩ nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán với bức ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp với nhạc sĩ Văn Cao và các bộ ảnh chân dung văn nghệ sĩ Việt Nam.
Giáo sư võ sĩ, họa sĩ, nhà điêu khắc Ngô Xuân Bính với hai triển lãm “Ego Người” và “Thông Linh” tại Bảo tàng Hà Nội.
NSND Thúy Mùi – Đạo diễn Chèo xuất sắc với 4 vở Chèo: “Khóc giữa trời xanh”, “Những vì sao không tắt” (Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh Hà Nam), “Ván cờ oan trái” (Nhà hát Chèo Hưng Yên), “Vang bóng một thời” (Đoàn Chèo Hải Phòng).
Đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp xuất sắc:
Sân khấu Lệ Ngọc: Đơn vị sân khấu ngoài công lập thành công nhất.
Nhà hát Chèo Hưng Yên: Giải Vở diễn xuất sắc: Vở chèo “Ván cờ oan trái” – Kịch bản: Bùi Vũ Minh – Đạo diễn: NSND Thúy Mùi
Đoàn Nghệ thuật Cải lương Long An. Giải Vở diễn xuất sắc: vở “Bên dòng Long Khốt” (Kịch bản: Nguyễn Toàn Thắng – Chuyển thể và đạo diễn: NSND Triệu Trung Kiên)
Một số hình ảnh tại lễ trao Giải thưởng Đào Tấn:
P.V