Trong 20 năm, NHCSXH huyện Đăk Song đã triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn. Nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện.
Trong 20 năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và của cả hệ thống chính trị – xã hội, nhất là từ sau khi có Chỉ thị số 40-CT/TW, Kết luận số 06-KL/TW, việc tổ chức triển khai tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn huyện Đăk Song đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, huy động được các nguồn lực tài chính để tạo lập nguồn vốn, tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, góp phần quan trọng thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước đề ra về giảm nghèo bền vững, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định chính trị, an ninh quốc phòng và phát triển kinh tế – xã hội.
Lãnh đạo NHCSXH tỉnh Đắk Nông tặng 2 máy tính cho trường khó khăn tại huyện Đắk Song.
Giám đốc NHCSXH huyện Đăk Song, cho biết: Từ 02 chương trình tín dụng nhận bàn giao ban đầu với dư nợ nhận bàn giao là 3.062 triệu đồng, đến nay, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Đăk Song đang triển khai cho vay 15 chương trình tín dụng chính sách, tổng dư nợ đến 30/7/2022 đạt 491.191 triệu đồng với 8.989 khách hàng đang vay vốn, tăng 488.129 triệu đồng so với năm 2004. Trên địa bàn huyện có 205 Tổ tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 71 thôn, bon, bản, tổ dân phố, trực thuộc quản lý của 4 tổ chức chính trị, xã hội nhận ủy thác.
Trong 20 năm thực hiện tín dụng chính sách theo Nghị định số 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ, huyện Đăk Song đã tập trung nguồn lực tín dụng qua NHCSXH cho vay được 65.200 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác với doanh số cho vay đạt 1.429 tỷ đồng, doanh số thu nợ đạt 938 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời, vốn tín dụng chính sách giúp cho 17.024 lượt hộ nghèo, 4.443 lượt hộ cận nghèo và 3.435 lượt hộ thoát nghèo được vay vốn, góp phần giúp cho trên 7.362 hộ thoát nghèo; thu hút tạo việc làm cho trên 2.997 lao động, giúp cho 3.764 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập, không để học sinh sinh viên nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính, hỗ trợ xây mới và cải tạo 12.818 công trình nước sạch vệ sinh môi trường ở nông thôn, hỗ trợ xây dựng 259 ngôi nhà để ở cho hộ nghèo… Vốn tín dụng chính sách đã góp phần hạn chế tình trạng cho vay nặng lãi ở khu vực nông thôn, giúp cho người nghèo và các đối tượng chính sách có điều kiện tự lực vươn lên, được làm quen với việc vay, trả nợ ngân hàng, do đó, đã từng bước thay đổi cơ bản nhận thức, giúp hộ vay sử dụng vốn có hiệu quả, góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống, thu hẹp khoảng cách giàu – nghèo.
Vốn tín dụng chính sách góp phần giúp các hộ nghèo và đối tượng chính sách ổn định phát triển kinh tế.
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.
Kim Ngân/ VHVN