Chùa Quỳnh Lâm nghìn năm tuổi – Đệ nhất danh lam cổ tích tại Đông Triều

9:35 | 16/01/2021

Chùa Quỳnh Lâm là di tích có giá trị quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, có vai trò rất to lớn trong lịch sử Phật giáo Trúc Lâm và Phật giáo Việt Nam. 


Chùa Quỳnh Lâm là di tích có giá trị quan trọng thuộc Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Đặc sắc kiến trúc thời Lê

Mới đây, ngày 12/12/2020 (ngày 28/10 năm Canh Tý), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh phối hợp với UBND TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, tổ chức lễ khánh thành chùa Quỳnh Lâm, thuộc Khu Di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều, với sự tham gia của hàng nghìn chư tăng Phật tử, du khách.

Việc trùng tu, tôn tạo đã góp phần làm cho chùa Quỳnh Lâm xứng đáng với vị thế của một Trung tâm Phật giáo xa xưa, kết nối chùa Quỳnh Lâm trong tổng thể các di tích lịch sử, văn hóa nhà Trần; đồng thời trở thành điểm tham quan nổi tiếng trong khu di tích lịch sử nhà Trần tại khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.

Dự án Bảo tồn, tu bổ và tôn tạo di tích chùa Quỳnh Lâm đã được UBND tỉnh Quảng Ninh phê duyệt đầu tư tại Quyết định số 3671/QĐ-UBND ngày 19/11/2015 dựa trên những văn bản thỏa thuận và thẩm định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Dự án được thực hiện với mục tiêu triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Nhà Trần ở Đông Triều; nhằm bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, khoa học của di tích; đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng của nhân dân và du khách thập phương.

Dự án thực hiện đầu tư tu bổ, tôn tạo và bảo quản các hạng mục công trình trên nguyên tắc gìn giữ, bảo tồn các yếu tố cấu thành di tích, phù hợp với kiến trúc truyền thống và phát huy giá trị chân thực của Di tích theo các tài liệu khảo cổ và hồ sơ quy hoạch tổng thể được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Kinh phí thực hiện dự án hơn 163 tỷ đồng, hoàn toàn từ nguồn huy động xã hội hóa, bao gồm các hạng mục: Kiến trúc trung tâm bao gồm 3 tòa thượng điện: Tiền đường, Trung đường, Hậu đường và nhà hành lang giải vũ với tổng diện tích xây dựng 3.720 m2; Cổng Tam quan diện tích xây dựng 95 m2; Nhà bia diện tích 31 m2; Nhà trưng bày diện tích 120 m2; tất cả kiến trúc đều bằng gỗ, các công trình phụ trợ, hệ thống sân vườn và các hạng mục hạ tầng kỹ thuật đồng bộ.

Điểm nổi bật của dự án trùng tu chùa Quỳnh Lâm là kiến trúc trung tâm được đặt đúng vị trí các dấu vết kiến trúc thời Lê đã phát lộ. Chùa xây dựng mới theo dấu vết kiến trúc thời Lê, hình thức kiến trúc mang phong cách kiến trúc gỗ truyền thống, các thành phần và mô típ trang trí bằng đất nung theo các mẫu gốc thời Trần, Lê trên các bờ mái, lan can, thềm… Vật liệu chính sử dụng cho công trình là các vật liệu truyền thống như gỗ, gạch, đá…

Ngày 9/6/2016, dự án tu bổ tôn tạo chùa Quỳnh Lâm chính thức được khởi động. Sau hơn 4 năm triển khai, đến nay các hạng mục công trình giai đoạn 1 của dự án đã cơ bản hoàn thành, trong đó có các hạng mục công trình: các tòa tiền điện, trung điện, thượng điện, sân vườn, vườn tháp.

Hệ thống nội thất có thể kể đến: Tượng pháp, hoành phi, câu đối, cửa võng, ban thờ, đồ thờ… đặc biệt là pho tượng ngọc Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni có trọng lượng 3,8 tấn, cao 2,2m được tập đoàn Vingroup cung tiến; Khu vực bãi xe, sân hội, công trình phụ trợ, trồng cây xanh tạo cảnh quan…

Đặc biệt, nhân sự kiện khánh thành của Quỳnh Lâm, chư tăng và Phật tử nhà chùa đã hỗ trợ xây dựng ngôi nhà tình thương cho 1 gia đình nghèo trên địa bàn phường Tràng An với tinh thần từ bi của những người con Phật.

Nơi an vị tượng Phật ngọc

Trước sự kiện khánh thành chùa hơn một tháng, ngày 28/11 tức ngày 14/10 năm Canh Tý, UBND thị xã Đông Triều cũng đã phối hợp với Hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh tổ chức lễ rước và an vị tượng Phật ngọc tại chùa Quỳnh Lâm. Sự kiện này nằm trong chuỗi sự kiện “ Hành trình về miền di sản – Thánh địa thiền phái Trúc Lâm”.

Đây là pho tượng Phật Thích Ca làm bằng ngọc thạch nguyên khối, ngồi thiền trên tòa sen trong tư thế liên hoa tọa, thần thái đầy từ bi. Tượng Phật ngọc có trọng lượng 3,8 tấn, cao 2,2m; làm từ ngọc thạch nguyên khối có nguồn gốc từ Canada và được các nghệ nhân người Nepal, Ấn Độ và Thái Lan tạo tác, hoàn thiện theo nguyên mẫu tượng Phật Thích Ca tại thánh địa Bồ đề Đạo tràng (Ấn Độ). Mỗi chi tiết mỹ thuật chạm khắc đều thể hiện được sức điêu dụng và thần sắc của Đức Phật đúng với mô tả về 32 tướng huyệt hảo trong kinh Bát nhã ba la mật đa.

Pho tượng Phật ngọc gồm 5 phần ghép lại là: Kim thân, nhục kế, hào quang, tòa sen, bình bát. Ngoài ra, cùng với tượng là 2 vòng hào quang đường kính khoảng 1m bằng ngọc màu xanh, được thiết kế mỹ thuật.

Việc cung rước tượng Phật ngọc về chốn Tổ Quỳnh Lâm được cho sẽ tạo khí thiêng và điềm lành cho vùng đất Đông Triều, tạo cơ hội mới và điều kiện thuận lợi cho việc tiếp tục bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của quần thể Khu di tích nhà Trần; góp phần đẩy mạnh kết nối không gian văn hóa, kết nối du lịch giữa khu di tích Nhà Trần tại Đông Triều với di tích Côn Sơn – Kiếp Bạc (Hải Dương), di tích Tây Yên Tử (Bắc Giang), di tích – danh thắng Yên Tử, Bạch  Đằng, Cửa Ông, Vân Đồn của Quảng Ninh, trở thành điểm đến mang tầm khu vực và quốc tế.

Tiếp đó, tối ngày 11/12/2020, lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã làm lễ hô thần nhập tượng theo nghi thức Phật giáo miền Bắc, đồng thời làm lễ niêm hương bạch phật sái tịnh tượng Phật ngọc, cùng tượng chư vị tổ sư được thờ trong nhà chùa.

Tổ đình Quỳnh Lâm.

Pho tượng lớn nhất trong “An Nam tứ đại khí”

Chùa Quỳnh Lâm được biết đến là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam. Bởi nơi đây từng có pho tượng Phật khổng lồ, đứng đầu trong Thiên Nam tứ đại khí hay An Nam tứ đại khí, tức bốn thứ kim khí bằng đồng, có kích thước và trọng lượng lớn, là tài sản quý giá của nước Ðại Việt thời Lý, Trần.

Chùa Quỳnh Lâm được khởi dựng từ thời Lý, niên hiệu Long Thụy Thái Bình thứ tư, đời vua Lý Thánh Tông (1116 – 1138) bởi Quốc sư Nguyễn Minh Không. Khi xây chùa, quốc sư Nguyễn Minh Không đã cho đúc một pho tượng Phật Di Lặc bằng đồng có kích thước khổng lồ, cao tới 6 trượng (tương đương 20 m) để thờ cúng, đây là một trong “An Nam tứ đại khí”.

Để đặt được pho tượng khổng lồ, nhà chùa phải xây một ngôi điện lớn có chiều cao lên tới 7 trượng (khoảng 23,5 m). Có thể do chiều cao vượt ngưỡng đó mà dân gian vẫn truyền tai nhau rằng, đứng ở phía nam huyện Đông Triều cách xa tới 10 dặm vẫn còn thấy nóc của gian điện che sát đầu pho tượng.

Chính pho tượng này, cùng tháp Báo Thiên (chùa Sùng Khánh, Hà Nội), chuông Quy Ðiền (chùa Một Cột, Hà Nội) và vạc Phổ Minh (chùa Phổ Minh, Nam Ðịnh) – là bốn vật kim khí đỉnh cao của nghệ thuật đúc đồng, được xếp vào nhóm quốc bảo “An Nam tứ đại khí” của người Việt ở thế kỷ thứ XII. Trong đó, tượng Phật chùa Quỳnh Lâm đứng vị trí đầu.

Các tượng đồng cổ ở Việt Nam được coi là lớn nhất hiện nay còn được biết là Tượng thánh Trấn Vũ đền Quán Thánh, Hà Nội đúc năm 1667 cao 3,7 m nặng 4 tấn; tượng phật A Di Ðà chùa Ngũ Xã, Hà Nội đúc năm 1949 – 1952 cao 3,95 m, nặng hơn 10 tấn; tượng A Di Ðà lớn nhất còn lại ở Quảng Ninh ở chùa Nhuệ Hổ, Ðông Triều cao 1,45 m, đúc thời Lê.

Trong dân gian còn lưu truyền câu ca: Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Ðông – (….) – Tháp cao chín đợt màu mây ám – Chùa rộng trăm gian gác ngựa hồng – Trước điện thông reo cùng trúc hóa – Trong am khánh đá với chuông đồng… Chắc hẳn trong câu ca này hàm ý đến tòa điện đặt pho tượng khổng lồ trên.

Sau đó, không rõ tượng mất khi nào nên thiền sư Pháp Loa – ông tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm, đã cho đúc pho tượng Di Lặc mới cũng hết sức to lớn vào năm 1327.

Sử sách còn ghi lại, tượng được đúc xong từ năm 1327. Năm 1328, nhân dịp vua Trần Minh Tông đến thăm chùa, thiền sư Pháp Loa đã tâu xin cho kéo tượng từ điện lên bảo tọa để dát vàng. Khi ấy, Văn Huệ Vương Trần Quang Triều, chủ soái của Bích Ðộng thi xã và người chị ruột, công chúa Thượng Trân, vợ vua Trần Anh Tông đã cúng vào chùa 900 lượng vàng để đúc tượng.

Về sau, tượng Di Lặc cũng bị mất vào thế kỷ 15 khi quân Minh sang xâm chiếm nước ta, chúng đã phá tượng để đúc súng đạn. Truyền thuyết dân gian nói rằng, giặc mang tới 24 bễ đến định thổi đồng đúc đạn nhưng thổi không được, còn bia chùa thì ghi tượng trầm trầm tại hạ (chìm dần xuống đất).

Hai pho tượng đồng lớn thời Lý, Trần không những chứng tỏ trình độ đúc đồng đạt đến đỉnh cao mà còn nói lên những hoài bão to lớn của cha ông chúng ta trong việc xây dựng những công trình lớn, đồng thời càng khẳng định thêm danh tiếng cho Quỳnh Lâm, một thời được mệnh danh là Thiên Nam đệ nhất danh lam cổ tích.

Trung tâm Phật giáo, văn hóa thời Trần – Lê

Thời Trần, do có vị trí là cửa ngõ kết nối trung tâm Phật giáo Yên Tử, Ngọa Vân, Hồ Thiên với các ngôi chùa khác trong vùng và các chùa ở vùng đồng bằng Bắc bộ, nên chùa Quỳnh Lâm được mở rộng và đầu tư xây dựng thành một trung tâm Phật giáo quan trọng.

Theo TS, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử như Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều đã về tu ở chùa này và xây dựng Quỳnh Lâm trở thành trung tâm phật giáo của cả nước. Chùa Quỳnh Lâm trở thành một giảng đường quy mô giảng kinh của đạo phật và cũng từ đó Quỳnh Lâm có thêm thiền viện với tên “Viện Quỳnh Lâm”- Trường Đại học phật giáo đầu tiên ở nước ta.

Chính từ nơi đây đã đào tạo hàng ngàn tăng ni phật tử và in nhiều kinh phật để truyền bá khắp mọi nơi. Từ đó Quỳnh Lâm Viện đã nức tiếng khắp nơi và được triều đình nể trọng, tôn sùng. Giới quý tộc và triều đình cũng đã cúng rất nhiều ruộng đất và của cải để tu tạo chùa, vì thế dân gian mới có câu: “Ngõ chùa Lân, sân chùa Muống, ruộng chùa Quỳnh”.

Năm 1319, thiền sư Pháp Loa đã kêu gọi tăng ni phật tử chích máu in 500 cuốn kinh đại tạng cất giữ ở Quỳnh Lâm Viện. Tương truyền cũng vào thời nhà Trần các nhà thơ như Nguyễn Xưởng, Nguyễn Ức… thường lui tới đây để làm thơ, như vậy Quỳnh Lâm không chỉ là trung tâm phật giáo mà còn là trung tâm văn hóa cho cả vùng.

Đến đầu thế kỉ XV quân Minh xâm lược nước ta chùa đã bị phá hủy gần hết, sang đến thời Hậu Lê chùa mới được trùng tu lại. Đứng đầu đợt tu sửa này là các Vương Phi trong phủ Chúa Trịnh. Họ xin tiền của kho nhà nước và kết hợp với sự quyên góp của các thiện nam tín nữ trong vùng nên việc tu sửa đã được tiến hành nhanh gọn.

Dưới thời Lê Trung Hưng, chùa được trùng tu tôn tạo lớn, kéo dài hơn 10 năm. Đến thời Nguyễn, tại vườn chùa có xây dựng thêm 5 ngọn tháp để ghi nhớ các nhà sư đã trụ trì tại Quỳnh Lâm. Ngoài ra chùa còn có một chuông đồng lớn được đúc vào năm Minh Mệnh thứ 9 (1828), chuông cao 1,45m; đường kính 0,70m. Nhà tổ của chùa thờ 3 tượng Trúc Lâm Tam tổ, trước nhà thờ có gác chuông gỗ 9 gian to và cao, 3 gian giữa nóc cao hơn gác chuông 2 đầu, mỗi bên 3 gian bên treo chuông, bên treo khánh.

Trải qua thời gian và những biến cố thăng trầm của lịch sử, đến đầu thế kỷ 20, các công trình kiến trúc nguy nga của Quỳnh Lâm cơ bản đã bị hủy hoại. Song với các di vật cổ và dấu vết kiến trúc được phát lộ qua các cuộc khảo cổ học đã giúp chúng ta hình dung dáng vóc và quy mô tráng lệ, cổ kính của ngôi chùa qua các thời kỳ lịch sử.

Thượng tọa, TS. Thích Đức Thiện – Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam trao đổi với PV.

Ngày nay trong khuôn viên của chùa Quỳnh Lâm chỉ còn lại một số công trình cổ như: tháp mộ, bia đá, các thành bậc rồng bằng đá xanh, hàng trăm tảng đá kê chân cột, bệ đá chạm cánh sen, đầu rồng bằng đất nung, khánh đá, chuông đồng, đồ gốm, các họa tiết trang trí, đồ sành sứ các loại của các thời đại khác nhau… Tại khuôn viên của chùa, các nhà khảo cổ học đã tìm thấy nhiều dấu tích kiến trúc đồ sộ, lớn nhất là kiến trúc chùa ở thời Hậu Lê với quy mô tổng thể hơn 100 gian. Tất cả đều thể hiện sự khéo léo, tài hoa của cha ông ta và chứng minh sự tồn tại các công trình kiến trúc quy mô của chùa Quỳnh Lâm trong lịch sử.

Chia sẻ với PV Văn Hiến Việt Nam, TS, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, dự án tu bổ, tôn tạo chùa Quỳnh Lâm chỉ là việc làm bước đầu trong việc bảo tồn, tôn tạo một di tích quốc gia đặc biệt. TS, Thượng tọa Thích Đức Thiện cho biết, hiện nay, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để 3 tỉnh trong khu vực Giáo hội Phật giáo Việt Nam trình hồ sơ để UNESCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản hỗn hợp văn hóa và thiên nhiên thế giới. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, dự kiến hồ sơ này sẽ hoàn thiện vào năm 2021 tới đây.

 

Quang Tới

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú