Anh Vũ – Người chân đất hái trăng sao

13:09 | 24/11/2018

Cuối tuần trước ghé thăm Vũ Từ Trang, hai chúng tôi nhắc nhiều đến nhà thơ, nhà điêu khắc Anh Vũ. Vũ Từ Trang là anh họ của Anh Vũ, còn tôi thì may mắn quen biết người nghệ sĩ tuyệt với này sau khi từ Nha Trang ra Hà Nội. Anh Vũ mất đã 4 năm. Nếu còn sống thì năm nay anh đã 75 tuổi. Nhớ Anh Vũ, xin chia sẻ một trong hai bài viết của tôi về anh và “Công án giọt nước”, một trường ca rất hay của Anh Vũ.


1.
Anh Vũ mất hơn tuần lễ tôi mới được tin, nhà thơ Tân Linh đã báo cho tôi cái tin xé lòng này. Tôi không nghĩ Anh Vũ ra đi sớm thế. Năm trước, về công tác Bắc Giang, Anh Vũ còn đưa tôi lên đồn Phồn Xương để tận mắt cái căn cứ địa kỳ diệu của Đề Thám rồi về Nhã Nam thăm nhà Nguyên Hồng ở xóm Cầu Đen nổi tiếng. Dù sức khỏe có vẻ không bằng 10 năm trước đây, lúc tôi mới quen anh, uống rượu ít hơn, đi đứng chậm chạp hơn, nhưng chưa có gì báo hiệu anh đã sắp “hết hạn hành trinh”.

Anh vẫn quần quật làm thơ, nặn tượng với sức lực mà đám nghệ sĩ trai trẻ chắc chào thua. Mỗi năm Anh Vũ ít nhất có trên dưới chục tượng và 1 tập thơ mới. Tượng thì ngôi vườn Bụt nhà đối Tân Mới, Tân Dĩnh, Lạng Giang đã xếp chồng xếp lớp chật kín, còn thơ thì cho đến 2013, năm tròn 70 tuổi, Anh Vũ đã xuất bản đến 7 tập thơ, 4 trường ca và đang sắp hoàn thành một trường ca về Đề Thám, rồi trường ca về Trần Đức Thảo. Đầu năm nay, tôi được tin cùng lúc tượng Hoàng Hoa Thám của anh ở Phồn Xương hoàn thành chuyển từ chất liệu xi măng cốt thép sang đồng, Anh Vũ cho ra mắt tập trường ca về người anh hùng Yên Thế với tên gọi “Người hát sử thi Đề Thám”.

Chưa kịp lên thăm anh để xem tượng và được tặng thơ thì anh đã vĩnh viễn ra đi. Tròn tháng giỗ anh, tôi mới cùng Vũ Bình Lục, Nguyễn Thanh Kim, Trần Ngọc Quang lên nhà anh thắp hương tiễn biệt anh. Chị Phụng, vợ anh, và hai con, Vũ Công Trí, Vũ Việt Tâm, một nhà điêu khắc, một nhà báo, tiếp chúng tôi. Chị Phụng đã bình tĩnh lại sau cuộc ra đi bất ngờ của chồng. Chị nói với chúng tôi một thông tin lặng người: Anh Vũ chẳng có bệnh tật gì, anh còn có thể sống ít nhất hơn một giáp nữa nếu không giấu vợ con hiến tủy cho nhà báo Xuân Hồng. Thật đúng là Anh Vũ. Ai cũng biết Anh Vũ là một nhà thơ, nhà điêu khắc tài năng. Nhưng trước hết, trên hết, anh là một người vị tha. Vài chục năm trước, khi còn thanh niên, lúc cực nhọc khó khăn nhất, anh đã nhường nhà cho nhà điêu khắc Lê Liên có điều kiện bắt đầu sự nghiệp làm tượng. Còn lúc đã “nhân sinh thất thập”, khi tuổi cao sức yếu, anh lại chẳng ngần ngại nhường tủy cứu bạn. Tuy Xuân Hồng chẳng thể cứu được và Anh Vũ phải ra đi sớm hơn cả chục năm như chị Phụng khẳng định, nhưng tôi tin Anh Vũ cũng chẳng hối tiếc bởi anh đã được sống đúng như những điều mình mong muốn…

Anh Vũ trong vườn tượng của anh.

2
Hơn chục năm trước, trước khi gặp Anh Vũ, tôi đã được nhà văn Nguyễn Đình Chính, nhà điêu khắc Lê Liên và nhà thơ Nguyễn Thanh Kim kể nghe nhiều về người nghệ sĩ đa tài đất Kinh Bắc này. Năm 2001, Nguyễn Thanh Kim đưa tôi lên thăm Anh Vũ lần đầu tiên tại ngôi nhà đồi của anh ở Tân Mới, Tân Dĩnh, Lạng Giang, khi về anh tặng tôi một bức tượng thôn nữ bằng gỗ mít và hai tập thơ. Trước đấy, tôi chỉ nghe mọi người nói nhiều về tượng Anh Vũ nên lên nhà anh tôi cũng chỉ chăm chăm vào cái vườn tượng rất độc đáo và ngộ nghĩnh, chưa hề biết thơ mới làm nên thương hiệu Anh Vũ, Về đến Hà Nội, đọc hai tập thơ anh tặng, tôi hết sức sửng sốt: Thơ Anh Vũ hay lạ thường.

Tôi nhớ khi đó tôi đã đọc đi đọc lại mãi tập thơ“Đôi mươi quan họ”, tuy đóng ghim mỏng dính, chẳng đầy đặn lại được giải của Hội Nhà văn VN và Bộ Lâm nghiệp như tập “Gốc còn”, nhưng là một tập thơ tuyệt hay của một tài thơ độc đáo. Tôi nhập tâm ngay những câu thơ  như Bền chắc nâu sồng duyên mộc mạc/Lá mạ hoa hiên để dập dờn/Ấy ai cuối bọn cười vang nhất/Chuông khánh mong gì trong trẻo hơn (Diềm bâu) hay Cứ gì hội hè mới quan họ/Thường nhật ân tình thật khó hơn/Mồ hôi vuốt mặt khô rơm rạ/Giáp hạt cháo hoa mà keo sơn (Bến cũ), “Đám mây thiếu nữ thành đôi bướm/Câu hát nào rơi khuất góc vườn/Nụ non còn dấu trong thinh lặng/Khuya khoắt nhành trăng thơm mới thơm” (Gai xanh). Tập thơ “Đôi mươi quan họ” và sau này là trường ca “Quan họ ra nguồn” của Anh Vũ khiến ta nhớ đến trường ca “Tiếng hát quan họ” và tập thơ “Về Kinh Bắc” của Hoàng Cầm. Nếu Hoàng Cầm đem đến cho chúng ta thế giới diễm ảo, kỳ thú của quan họ hội hè thì Anh Vũ lại cho chúng ta biết một thế giới quan họ ngoài hội hè, mộc mạc, chân chất với những “ân tình” trong “thường nhật”  và “keo sơn” lúc “giáp hạt”.

Từ đó đến nay, thân thiết với Anh Vũ, được đọc thêm những tập thơ và trường ca  của anh như “Lục bát bâng quơ”,  “Vết chân chim”, “Cao Bằng”, “Lòng tay”, “36 và 1”, “Lòng chảo khác”, “Mặt trời trắng”, “Tình chợ tình”, “Người hát sử thi Đề Thám”, “Công án giọt nước”…thì tôi hiểu con người trọn đời ẩn dật nghèo khó ở vùng đồi ngoại ô TP Bắc Giang này là một nhà thơ rất đáng nể của thơ Việt Nam hiện đại.

Không chỉ có thơ về xứ Kinh Bắc của mình, Anh Vũ còn có thơ về nhiều miền đất nước từ Tây Bắc, Việt Bắc đến Huế, Nam Bộ, về chiến thắng Điện Biên, về các chiến sĩ tình nguyện quân Việt Nam ở Lào, về các văn nghệ sĩ và các di sản văn hóa danh tiếng, về chợ tình Khau Vai, rồi cuối cùng là về người anh hùng Đề Thám và nhà triết học Trần Đức Thảo, những niềm tự hào của quê hương Kinh Bắc.

Anh Vũ đã tạo nên một thế giới thơ thật phong phú, đa dạng.Từ những bài thơ nhỏ xinh đến những trường ca vạm vỡ, từ những câu thơ mộc mạc chân chất, những câu thơ minh triết tự nhiên như “không nhớ mình đang sống, chỉ nhớ, mình đang yêu”, “không nhớ mình là ai, chỉ biết mình đang Người” đến những câu thơ hết sức lãng mạn “Đã nhấc khỏi lưng ta chảo bom chảo đạn/Nghe gió lên đủ chín núi mười mường/Bài thơ cánh mỏng Điện Biên/Hoa ban tím hoa ban hồng/Bâng lâng hoa ban trắng/Là trái tim xanh phô cả tuổi mình” (Trường ca “Lòng chảo khác”) hay bi tráng như  “Bao nhiêu năm/cũng có ngày trở lại/từng đôi chim Việt Cầu Gồ – Phồn Xương/phượng hoàng, phượng hoàng/nhảy vào lửa/và phục sinh từ lửa” (Trường ca “Người hát sử thi Đề Thám”)… Riêng “Công án giọt nước”, trường ca viết về nhà triết học đồng hương Trần Đức Thảo của Anh Vũ thì chắc chắn là một trong những trường ca “có một không hai” của thơ Việt xưa nay.

Viết về Trần Đức Thảo và những vấn đề triết học phức tạp của nhân loại hiện đại dường như không phải là chuyện của thơ. Tuy vậy, Anh Vũ đã viết hẳn một bản trường ca tuyệt hay. Với vốn văn hóa Đông Tây uyên bác, với sức liên tưởng khó ai bằng và sự hòa trộn đầy biến ảo đồng dao, dân ca, thơ thất ngôn bát cú, thơ lục bát, thơ tự do, thơ văn xuôi, Anh Vũ cho thấy triết học vừa cao siêu vừa thiết thân, vừa xa xôi vừa gần gũi, việc trả lời những câu hỏi tưởng quá phức tạp, từng làm đau đầu loài người qua trăm năm, nghìn năm “Chúng ta từ đâu đến? Chúng ta là ai? Chúng ta đi về đâu?” hóa ra cũng khá giản đơn và sự cách biệt tưởng khó thể dung hòa giữa Đông – Tây, Phật – Chúa, giữa vùng quê quan họ, chốn thiêng Yên Tử và Paris hoa lệ hoàn toàn không có trong nhịp đập của trái tim con người.

Bản trường ca cuối cùng, được hoàn thành trước khi Anh Vũ đi xa chỉ ít tháng, cho thấy Anh Vũ đã làm được tất cả, những gì có thể, với thơ.

Tượng đất nung Tự cười.

3.
Tất nhiên, không chỉ với thơ, mà còn với tượng.

Đến trước ngày đi xa, trong số 8 tượng đài được dựng ở Bắc Giang Anh Vũ đã có 4 bức. Đó là các bức tượng Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Khắc Nhu, Ngô Sĩ Liên, Lý triều Thánh mẫu, trong đó rất nổi tiếng là tượng Hoàng Hoa Thám và tượng Lý triều thánh mẫu. Về tượng Hoàng Hoa Thám, Anh Vũ kể: đầu những năm 1980, khi tỉnh Bắc Giang phát động cuộc thi sáng tác tượng Đề Thám, anh đăng ký tham gia, chẳng ai nghĩ một cựu học sinh trung học sư phạm nhạc họa bèo bọt như anh có thể thi thố gì. Nhưng bất ngờ, mẫu tượng của anh được đánh giá rất cao và được chọn dựng năm 1985 ở Phồn Xương – Yên Thế. Khi khánh thành tượng, bà Hoàng Thị Thế, con gái cụ Đề Thám từ Mỹ về, nhìn thấy đã ngồi sụp xuống chân tượng, vừa khóc vừa kêu lên: “Đây đúng là bố tôi!”. Còn tượng Lý triều thánh mẫu, Anh Vũ cho biết đã lấy cảm hứng từ cuộc đời bà Phạm Thị Ngà, mẹ vua Lý Công Uẩn, đồng hương Từ Sơn của anh. Đó là bức tượng một phụ nữ tóc dài, chít khăn mỏ quạ, gương mặt thùy mị, đang bế một đứa bé tay cầm một đóa sen 9 cánh. Đối với Anh Vũ, đây là chân dung tâm đắc về người phụ nữ Kinh Bắc tài hoa, nhân hậu, luôn trọn vẹn gánh nặng việc nhà việc nước.

4 tượng đài hoành tráng trên đều được phóng từ các tượng nhỏ trong cái vườn tượng nhiều vô kể trong nhà Anh Vũ. Có lẽ, ít nhà điêu khắc nào của nước ta làm tượng nhiều như Anh Vũ. Tượng của anh được làm bằng rất nhiều chất liệu như đất nung, thạch cao, gỗ đá, đồng, xi măng…về các nhân vật tôn giáo như Bụt, Phật, Sư…các nhân vật dân gian, truyền thuyết như vua Hùng, Mỵ Châu, mục đồng, chú Tễu, chú Phỗng…các nhân vật văn học như Chí Phèo, Thị Nở, Lão Hạc, Tám Bính, Năm Sài Gòn, Xuân tóc đỏ, bà Phó Đoan, cụ cố Hồng… các văn nghệ sĩ như Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, Nguyễn Đình Thi, Kim Lân, Anh Thơ, Đỗ Nhuận, Văn Cao…

Thú vị nhất trong vườn tượng Anh Vũ là các bức tượng đất nung. Anh Vũ thường làm tượng đất nung. bởi đơn giản đất rất sẵn, không tốn tiền mua, hợp với cảnh nghèo của anh. Tượng đất nung của Anh Vũ mang đậm phong cách tượng đình chùa Việt Nam với  sự “hóm hỉnh ngầm”  và cái “phi tỷ lệ” mà anh thường tự hào nói đến. Trong một lần lên Bắc Giang, nhân đưa tôi đi thăm cây dã hương nghìn tuổi ở Tiên Lục, Anh Vũ bảo tôi ghé thăm đình Phù Lão. Chỉ tôi xem các hình tượng được chạm khắc rất sinh động trên các kèo, cột, mái của ngôi đình, Anh Vũ nói với tôi: “Tôi chẳng học làm tượng ở trường lớp nào, mà học từ các ngôi đình này”.  Một trong những bức tượng đất nung được nhiều người thích nhất là tượng Anh Vũ nặn chính mình có cái tên “Tự Cười “: trong dáng ngồi của một vị Di Lặc là một gương mặt có vẻ Chư Bát Giới với cái mũi khá to, cái miệng rộng tới mang tai đang cười hết cỡ, cố ý khoe một cái răng sứt rất Anh Vũ.

Đã từ nhiều năm nay, vườn tượng Anh Vũ đã rất nổi tiếng, rất thu hút đối với giới văn hóa văn nghệ trong nước. Anh chị em văn nghệ sĩ Bắc Ninh, Bắc Giang thường xuyên tụ hội tại đây đã đành, rất  nhiều văn nghệ sĩ danh tiếng từ thủ đô Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, TPHCM, Nam Bộ, Tây Bắc, Việt Bắc…cũng đã tìm đến đây để được tận mắt cái thế giới độc đâó, kỳ thú của nhà thơ, nhà điêu khắc được coi là “chân đất mắt toét” huyền thoại này.
5.
Lên cái nhà đồi của Anh Vũ sau ngày anh mất, tôi chợt nghĩ: tại sao ngành văn hóa, văn học nghệ thuật hai tinh Bắc Ninh, Bắc Giang lại không góp công góp sức cùng chị Phụng và gia đình biến nơi này thành một địa chỉ văn hóa chung của xứ Kinh Bắc. Nhà thơ Nguyễn Thanh Kim đã nhận xét rất đúng: cùng với Hoàng Cầm, Anh Vũ là một trong  hai nghệ sĩ quy tụ và thể hiện đậm nét nhất chất văn hóa Kinh Bắc, hồn cốt kinh Bắc trong các tác phẩm của mình.

Đến nhà Anh Vũ, đọc thơ, xem tượng Anh Vũ, chúng ta sẽ được hiểu rất nhiều về văn hóa Kinh Bắc, hiền tài Kinh Bắc. Đến nhà Anh Vũ, đọc thơ Anh Vũ, xem tượng Anh Vũ, chúng ta còn được khám phá thêm một bí mật: bằng cách nào mà một người ít được học hành, lại nghèo khó lại trọn đời ẩn dật ở một góc đồi quê vắng như Anh Vũ lại có thể trở thành một nghệ sĩ lớn của một vùng đất, bằng cách nào mà một người chân đất tay trắng dám mơ hái trăng sao như Anh Vũ cuối cùng đã hái được trăng sao…

 

 

Nguyễn Thế Khoa/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử