Rạp Đại Nam bùng nổ cảm xúc trong hội thảo Quốc gia về Nhà viết kịch Xuân Trình

8:56 | 30/11/2019

Sáng 30/11, tại Rạp Đại Nam – Nhà hát Chèo Hà Nội diễn ra buổi hội thảo khoa học quốc gia “Xuân Trình, nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”. Hội thảo diễn ra nhằm tri ân nhà viết kịch Xuân Trình, người được coi là nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới. Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Trình để lại nhiều bài học quý giá của một nghệ sĩ tài năng, một nhà lãnh đạo văn nghệ nhiệt huyết, luôn gắn bó máu thịt với hiện thực cuộc sống, với sự nghiệp cách mạng.


Nằm trong hoạt động, chào mừng Đại hội Đại biểu Toàn quốc lần thứ IX Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN và các Hội Văn học Nghệ thuật Trung ương, tạp chí Văn hiến Việt Nam phối hợp với Hội đồng Lý luận phê bình Văn học Nghệ thuật Trung ương, Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN, Trung tâm Bảo tồn và Phát triển Nghệ thuật Sân khấu VN tổ chức Hội thảo khoa học Quốc gia “Xuân Trình – Nhà viết kịch, nhà lãnh đạo sân khấu tiên phong của sự nghiệp đổi mới”.

Nhà văn, nhà viết kịch Xuân Trình (1936 -1991) là một trong những tác giả, nhà lãnh đạo xuất sắc nhất của nền sân khấu cách mạng Việt Nam. Với gần 30 kịch bản được dàn dựng trên sàn diễn các đoàn sân khấu cả nước, sớm tập trung vào vấn đề dân chủ hóa đời sống kinh tế xã hội, đề cao tính tư tưởng,  tính chân thật và tính nhân văn của tác phẩm, trong đó có nhiều tác phẩm gây chấn động dư luận xã hội như “Chuyện những người du kích”, “Quê hương Việt Nam”, “Lập xuân”, “Hận thù từ đâu tới”, “Bạch đàn liễu”, “Ngôi nhà trong thành phố”,“Xóm vắng”, “Cố nhân”, “Thời tiết ngày mai”, “Mùa hè ở biển”, “Đợi dến mùa xuân”, “Ngày xưa nơi đây là chiến tranh”, “Ngôi nhà màu hồng ngọc”, “Nửa ngày về chiều”, “Nghĩ về mình”, “Tai họa hay rủi ro”…

Từ những năm 1960 đến 1990, Xuân Trình được coi là nhà viết kịch tiên phong của sự nghiệp đổi mới. Ông còn là một nhà lãnh đạo sân khấu với khát vọng đưa sân khấu thoát khỏi bao cấp, xã hội hóa thực sự để ngày càng phát triển, lớn mạnh bằng các nguồn lực tinh thần và vật chất ngoài nhà nước. Cuộc đời và sự nghiệp của Xuân Trình là một tấm gương sáng, có sức cổ vũ lớn, để lại nhiều bài học quý giá của một nghệ sĩ chiến sĩ tài năng, một nhà lãnh đạo văn nghệ nhiệt huyết, luôn gắn bó máu thịt với hiện thực cuộc sống, với sự nghiệp cách mạng của Tổ quốc, của Đảng và nhân dân. Xuân Trình đã được tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT và đã được đặt tên cho một đường phố ở TP Nam Định quê hương. 

Tuy vậy, tầm vóc và cống hiến của Xuân Trình trong nền sân khấu chưa thực sự được đánh giá đúng mức, các bài học sống động có giá trị của cuộc đời và sự nghiệp dâng hiến vô tư cho Tổ quốc, Đảng, nhân dân và nghệ thuật sân khấu dân tộc với tư cách một nghệ sĩ cộng sản chân chính chưa được tổng kết và phổ biến rộng rãi trong giới sân khấu, văn học nghệ thuật cũng như công chúng.

Các đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh Quốc Phương.
Ông Vương Duy Biên, Nguyên thứ trưởng Bộ Văn hoá, thể thao & Du lịch.

Một số cảnh trong trích đoạn “Đợi đến mùa xuân”, biểu diễn khai mạc hội thảo. Ảnh Quốc Phương.

 

Đoàn chủ tịch điều hành Hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cho rằng: Nhìn chung những tác phẩm của Xuân Trình ra đời, thành công cũng nhiều và tai nạn cũng không ít. Nhưng với một Xuân Trình bản lĩnh, kín đáo, sắc sảo, tác phẩm của ông có tính dự báo, ngôn ngữ chắt lọc, hình tượng nhân vật sinh động, tư tưởng nghệ thuật đậm chất chính luận đã làm nên một Xuân Trình với những tác phẩm Sân khấu có giá trị tư tưởng và chất lượng nghệ thuật cao. Qua các nhân vật “xa lạ mà quen biết” của Xuân Trình cho ta thấy những hình tượng nhân vật của ông xây dựng, như đang khoác tay chúng ta đi giữa cuộc đời của thời kỳ công nghệ 4.0 ngày hôm nay.

Có thể khẳng định tác giả Xuân Trình với chức vụ Phó Tổng thư ký của BCH Hội NSSKVN khoá II và khoá III đã cùng các nghệ sĩ tiền bối trong BCH đóng góp tích cực cho sự hình thành và phát triển trong 62 năm qua của Hội NSSK Việt Nam.

NSND Lê Tiến Thọ – Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam. Ảnh: Quốc Phương.

Phát biểu đề dẫn Hội thảo, Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam khẳng định: Xuân Trình là một người rất có ý thức nghệ thuật, ông là người hoàn toàn có thể tự nuôi sống bản thân, nuôi sống nghệ thuật mà không nhờ vào ngân sách nhà nước. Ông có một tư tưởng mạnh mẽ trong thời kỳ đó, quyết tâm tự tìm cho mình đường sống.

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa cũng khẳng, nhà viết kịch Xuân Trình đủ cả tài, cả tâm và tầm, hoàn toàn xứng đáng được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật. 

Nhà báo Nguyễn Thế Khoa, Phó Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa dân tộc – Tổng Biên tập Tạp chí Văn hiến Việt Nam. Ảnh: Quốc Phương.

PSG.TS Tất Thắng: “Thế giới kịch của Xuân Trình là nơi kết tinh đến đông đặc cái mà ta thường gọi là chủ đề tư tưởng của tác phẩm – Còn đối với Anh, đó là những vấn đề quan thiết đến cốt tử đặt ra trong quá trình phát triển của hiện thực cuộc sống hôm nay và cả mai sau, mà với con mắt của một nhà văn – nhà viết kịch chân chính và nhạy cảm, Anh đã phát hiện ra và dự đoán được… để rồi tập trung tinh lực sáng tạo vào đó. Xuân Trình không tái hiện hiện thực khách quan; Anh chỉ từ cái cuộc sống ngoài đời phong phú và phức tạp, sinh động và tinh vi ấy… mà sáng tạo nên cái thế giới của mình, nơi những cảnh đời diễn biến, những con người hành động đều do Anh mường tượng ra và hư cấu nên.”

  PSG.TS Tất Thắng. Ảnh: Quốc Phương.

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái, xúc động: “Sự nghiệp viết của Xuân Trình khởi đi từ nhà báo, nhà văn, nhưng cuối cùng, ông đã nhất định thành nhà viết kịch. Ông đã chọn được cách lập thân mà ông thiết tha khao khát nhất: viết kịch, để khẳng định một triết học riêng của mình…

“Từ điểm nhìn hôm nay, sau gần hai thập niên đầu của thế kỉ 21, nếu nhìn ngược về thời điểm đổi mới văn nghệ Việt Nam hiện đại từ năm1986, thì riêng về lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, có thể khẳng định: nhà viết kịch Xuân Trình là người tiền phong, đặt tiền đề căn bản nhất cho cuộc đổi mới sân khấu Việt Nam hiện đại, ở chính cơ sở văn hóa căn cơ nhất của nó, là kịch bản văn học. Những kịch bản văn học gai góc, thẳng thắn, quyết liệt, thậm chí “gây sự” của Xuân Trình luôn gặp trắc trở, chông gai trên con đường đối thoại với đương thời, bởi tính thức thời, bởi sự dự báo đầy tiên cảm cho thời tiết ngày mai của thế sự, trên tinh thần minh triết của một nhà viết kịch, đã tự tin xây cất triết học của riêng mình về cái viết, thấm thật sâu vào đối thoại kịch, như một cuộc đối thoại lớn với đương thời. Ở chính điểm tham chiếu này, nhìn lại số phận hàng chục kịch bản của Xuân Trình, ai là người – sân – khấu của hôm nay, lại không thấy khắc khoải buồn lo khi sân khấu đã đánh mất cuộc đối thoại với người xem, và bị khủng hoảng người xem ngay từ cuối thế kỉ 20 đầu thế kỷ 21…”

PGS.TS. Nguyễn Thị Minh Thái. Ảnh: Quốc Phương.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên cho biết, theo Xuân Trình, cốt tuỷ của đời sống là sự đấu tranh của các mặt đối lập như tối sáng, đen trắng, phải trái, là phải nhìn đời sống như một quá trình trong đó “bên cạnh những điều tốt đẹp vẫn còn những cái chưa hoàn mỹ”. Và trong thể hiện cốt tuỷ của đời sống thì kịch có một khả năng hơn hẳn các loại hình văn học nghệ thuật khác vì “bản thân kịch được cấu tạo nên bằng những mặt đối lập”.

Nhà văn Phạm Xuân Nguyên. Ảnh Quốc Phương.

TS. Trần Đình Ngôn đúc kết, tìm hiểu những giá trị tư tưởng và nghệ thuật của kịch Xuân Trình là một việc hết sức cần thiết như là sự góp phần vào việc nghiên cứu về tác giả tác phẩm sân khấu Việt Nam thế kỷ XX – một thời hoàng kim của sân khấu nước nhà. Theo ông, tác phẩm của Xuân Trình gồm 4 giá trị: Giá trị hiện thực, giá trị nhân văn, giá trị tư tưởng, giá trị nghệ thuật. Qua hội thảo lần này, TS. Trần Đình Ngôn cũng mong muốn sớm trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho nhà viết kịch Xuân Trình, bởi những đóng góp lớn của ông với nền sân khấu nước nhà.

Trong không khí trang nghiêm và xúc động, anh Nguyễn Khôi Nguyên, Con trai nhà viết kịch Xuân Trình chia sẻ: “Gia đình hết sức xúc động và vinh dự được phối hợp với ban tổ chức để tổ chức được một hội thảo rất thành công. Qua hội thảo, gia đình chúng tôi đã có dịp hiểu hơn về bố chúng tôi và những đóng góp to lớn của ông trong nền sân khấu nước nhà. Một lần nữa, xin gửi những lời cảm ơn sâu sắc đến quý vị đại và và các vị khách quý. Xin trân thành cảm ơn.”

Anh Nguyễn Khôi Nguyên, con trai nhà viết kịch Xuân Trình. Ảnh: Quốc Phương

Nằm trong chuỗi hoạt động của Hội thảo, tối 29/11, tại Rạp Đại Nam cũng đã biểu diễn thành công vở kịch ước lệ “Bạch đàn liễu” – một trong những vở kịch hay nhất của Xuân Trình, do đoàn kịch LUCTEAM dàn dựng.

Vở kịch “Bạch đàn liễu” do đoàn kịch LUCTEAM dàn dựng tối 29/11 tại Rạp Đại Nam.

 

Đình Tuyến – Quốc Phương

Video hay

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử