Về phố thăm làng

21:42 | 28/05/2021

Theo truyền thống quản lý hành chính địa văn hóa nước Việt Nam ta: Làng gắn liền với Quê nên mõi khi muốn thăm làng thì phải về quê. Vào đầu thế kỷ 21, ở một số thành phố nước ta đã xuất hiện nhiều làng có những hoạt động với công năng đặc thù nhưng cũng đậm chất làng quê Việt. Những ngôi làng như vậy ở Thành phố Nha Trang đã hình thành và ngày một hoàn thiện hơn các hoạt động truyền bá giá trị tinh thần và thẩm mỹ đặc trưng nhất – có thể gọi là – hồn phách làng Việt.


Làng trẻ em SOS.

Làng đầu tiên và được hình thành sớm nhất Nha Trang phải kể đến là Làng trẻ em SOS, nằm ở cửa ngõ phía bắc thành phố. Theo như ông Hermann Gmeiner, Người sáng lập Làng trẻ em SOS Quốc tế thì: “Điều khiến cho đứa trẻ đau khổ không phải là thiếu quần áo, đồ ăn hay giáo dục mà là không được thuộc về ai và không có một gia đình”. Làng Trẻ em SOS Nha Trang góp phần giúp cho trẻ em Việt Nam và thế giới khỏa lấp phần nào nỗi đau mà người sáng lập từng nhìn nhận và phát ngôn. Qua 20 năm (1999 -2019) xây dựng và phát triển, Làng trẻ em SOS Nha Trang đến nay đã hoàn thành 14 ngôi nhà gia đình; Lưu xá thanh niên; Trường Mầm non SOS và Trường phổ thông Hermann Gmeiner, tất cả đều đi vào hoạt động nền nếp và hiệu quả. Hoạt động theo mô hình gia đình thay thế tại Làng Trẻ em SOS hiện nay rất phù hợp với truyền thống văn hóa của dân tộc Việt Nam. Làng Trẻ em SOS đang là điểm hẹn luôn rộng cửa đón chào các tổ chức xã hội, các mạnh thường quân, các du khách giàu lòng thiện nguyện ghé thăm mỗi khi có dịp về với thành phố biển Nha Trang .

Nằm trên bờ sông Quán Trường, đầu cầu Dứa, cửa ngõ phía tây vào Thành phố là Làng Yến Mai Sinh. Làng yến Mai Sinh gợi mở cho chúng ta niềm cảm hứng khám phá sản vật yến sào cũng như tìm hiểu chi tiết hơn quá trình dẫn dụ để đưa được chim yến ngàn xưa ở đảo, khí thiêng biển trời và lộc phúc quê hương về sống và làm tổ trong những ngôi nhà phố. Chị Phan Thị Tuyết Mai, Tổng giám đốc công ty TNHH Nhà yến Nha Trang – Chủ làng, đã từng chia sẻ với truyền thông: “Mong muốn của tôi là giúp mọi người có cơ hội được nhìn thấy con chim yến sinh sống ra sao, làm tổ thế nào, được cầm, nắm, thậm chí được nếm thử sản phẩm yến sào”. Thăm Làng yến Mai Sinh để được trải nghiệm khám phá hang động chim yến; tìm hiểu truyền thống hơn 700 năm lịch sử ngành nghề yến sào Khánh Hòa; quy trình chế biến tổ yến thô ra nguyên liệu thành phẩm rồi sản xuất ra các sản phẩm phục vụ nhân sinh, đồng thời mua sắm; thưởng thức ẩm thực đặc trưng yến sào…một cách sát thực và sinh động nhất.

Làng yến Mai Sinh.

Đón chào năm Tân sửu, Thành phố Nha Trang cũng vừa đưa Làng nghề Trường Sơn vào phục vụ dân sinh. Được xây dựng từ năm 2014, Làng nghề Trường Sơn xuất phát từ dự án Khu văn hóa đa năng, bảo tồn và hành nghề truyền thống. Làng được xây dựng trên khuôn viên hơn 19.000m2, thuộc phường Phước Long (TP. Nha Trang). Làng nghề Trường Sơn hội tụ những đôi tay khéo léo, cần mẫn kết nối của các nghệ nhân, nghệ sĩ, công nhân lao động đã hình thành không gian văn hóa xanh đặc biệt. Làng được phân thành nhiều khu: khu trưng bày; khu sáng tác; khu trình diễn các ngành nghề thủ công đặc sắc của Khánh Hòa; khu ẩm thực; khu cây xanh – cảnh quan kết hợp triển lãm cây cảnh của các nghệ nhân… Ông Lê Duy Thiện, đại diện chủ đầu tư làng nghề Trường Sơn cho biết: Làng nghề Trường Sơn được hình thành nhằm mục đích làm khu triển lãm, trưng bày và giới thiệu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cây cảnh của Khánh Hòa. Đồng thời là nơi để các nghệ nhân sáng tác, biểu diễn cho du khách xem quá trình sản xuất các sản phẩm đan song mây, đan tre, dệt chiếu, mộc mỹ nghệ, vẽ nghệ thuật, làm gốm Lư Cấm, đan lưới, chằm nón… Làng nghề Trường Sơn đã quy tụ những nghệ nhân vì yêu nghề mà đến làng làm nghề. Họ là công dân chính thức của làng nên không những chỉ đem tác phẩm của mình đến đây trưng bày mà còn lấy không gian này làm nguồn cảm hứng để chế tác. Đó là họa sĩ Lê Vũ, người tác tạo các bức chân dung những người nổi tiếng và 8 bức họa tâm linh bằng thư họa rất độc đáo. Đó là nhà điêu khắc Đoàn Xuân Hùng, người đam mê tìm tòi và làm mới nghề gốm Lư Cấm – Nha Trang. Là nhạc sĩ Nguyễn Phương Đông, nghệ nhân thẩm thấu âm thanh đá núi cây rừng mà đam mê chế tác, bảo tồn và phát huy các loại nhạc cụ dân tộc. Nghệ nhân tranh cát Trần Thị Thu, chủ nhân phòng Tranh cát Hồng Châu Sa cũng tới đây tạo tác phẩm tranh cát đóng góp cho làng. Nghệ nhân Nguyễn Đình Huấn trưng bày, giới thiệu những khối đá cảnh, gỗ lũa đã nửa thế kỷ ông dày công sưu tập. Ở đây ta cũng được diện kiến nghệ nhân Nguyễn Yến tạo ra những con tò he sinh động sắc màu, hay các tác phẩm hoa đất sét của nghệ nhân Phạm Thị Thanh Trà…

Làng nghề Trường Sơn.

Làng nghề Trường Sơn cùng với những ngôi làng hình thành nơi phố biển Nha Trang tuy công năng hoạt động khác nhau nhưng đều sở hữu một không gian hội tụ “hồn phách” làng quê Việt và đều là những địa chỉ quen thuộc, thu hút đông đảo du khách mỗi khi về phố ghé thăm.

 

Vũ Nguyên

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học