TRÒ CHƠI CẤU TRÚC TRONG TIỂU THUYẾT “TRONG VÔ TẬN”

16:06 | 10/06/2021

Tiểu thuyết có cái tên mênh mang đã tự nó buộc tôi đọc chậm. Thật chậm. Và đọc lại, ngay sau lần đầu. Với thi thoảng đọc lại vài trường đoạn, kết nối các phân mảnh trong cái vô tận của tiểu thuyết, để cảm hiểu nghĩa tiềm ẩn dưới con chữ tiểu thuyết, bởi tôi hay tự buộc mình phải đọc “vỡ chữ”. Và ngạc nhiên thấy mình đạt đến khoái-cảm-đọc hiếm hoi.

Nhà văn Vĩnh Quyền.

Điều gây “mùi nhớ” dai dẳng, quyến rũ và lôi cuốn cái đọc tiểu thuyết Trong vô tận, chính là giọng kể thâm trầm, đong đầy suy tưởng, miên man hồi cố và chiêm nghiệm thấm thía về thế sự lịch sử, chan hòa trong thế sự thời hiện đại, của chủ thể tiểu thuyết Vĩnh Quyền. Do được thiết kế trên một cấu trúc tiểu thuyết độc đáo, giọng kể này đã luân lạc qua hơn một nhân vật Tôi, như muốn nới rộng Tôi ấy, thành nhiều hơn một Tôi. Bởi thế, người viết tiểu thuyết Vĩnh Quyền đã làm được cử chỉ kép: nới rộng kinh thành Huế, thành hơn một kinh thành. Huế đã thành không gian mênh mang đến… vô tận. Song, dù muốn nới rộng đến đâu, thì Vĩnh Quyền vẫn buộc phải chế định chính cái chủ đề “vô tận” của mình trong cấu trúc một tiểu thuyết ngắn, chỉ với 245 trang.

Tôi bỗng như nhìn thấy cuộc chơi cấu trúc tiểu thuyết độc đáo ấy của Vĩnh Quyền. Một cấu trúc ly kì lắt léo, chồng chất sấp ngữa, phi lý ngược chiều trong cài đặt thời gian-không gian. Đường tuyến tính thời gian nối quá khứ-hiện tại-tương lai bất ngờ bị phá vỡ. Không gian Hà Nội-Huế-Sài Gòn của Việt Nam và của nước Mỹ, Pháp, Nhật bị đảo chiều, nhảy cóc, xô lệch, chỉ cốt chiều theo duy nhất sự xiêu lạc, giằng xé ngổn ngang của nội tâm chất chứa riêng “một cõi đi về”, trong hố thẳm tiềm thức của các nhân vật Tôi, bỗng dưng thành tha nhân của chính mình trong vô tận.

Tôi-người-đọc, cũng tự dưng ham thích cách kể chuyện nương theo cấu trúc tiểu thuyết độc đáo này của Vĩnh Quyền, có lẽ ngay từ khi đọc cái tên có vẻ mông lung mịt mờ tăm tích của nó. Thì đấy: Trong vô tận. Hóa ra, cái neo vào vô tận chính là cái tôi của nhà tiểu thuyết, đã được đặt chỗ/ định vị trong… vô tận. Vì lẽ ấy, sự vô tận đến phi giới hạn của vũ trụ, đã được con người giới hạn, bởi, chỉ con người mới biết và phải biết, mình chính là trung tâm vũ trụ.

Tôi thích cái cảm giác rợn ngợp của các nhân vật Tôi trong thành phố Huế đã không hạn định thế giới tiềm thức của mình ở Huế, và chỉ trong ngôi nhà vườn-biệt phủ đặc Huế xưa, mà đã tháo cởi sự hữu hạn này, phóng chiếu lên cảm giác cao vời của con người (Nhân) nói chung, để đạt đến sự cô đơn không bến bờ của con người trong vũ trụ.

Và ngay trong cô đơn độc trọi này, khi đạt đến, lại cũng hàm chứa một cô đơn đôi, không còn đơn-chiếc-một-mình-mình nữa. Như ai đó ở phương Tây từng triết lý (không vụn): Không cô đơn nào lớn hơn sự cô đơn của hai kẻ yêu nhau. Tôi thiển nghĩ có lẽ vậy, nhờ sự tự nghiệm sinh trong cái sống và cái đọc. Dường như người đời hay lầm tưởng yêu nhau là sự ghép lại hai nửa, phải đi tìm nhau, để hợp thành một. Và nửa nọ phải tìm bằng được nửa kia, để kết đôi hạnh phúc. Không biết Vĩnh Quyền có thích sự “đồng tâm” se tơ kết tóc, lắp đặt hai nửa thành một đôi, theo kiểu truyền thống này không? Nhưng, là người đọc, tôi thấy sự cô đơn là chẳng đặng đừng, là không tránh khỏi, chẳng thể từ khước, đã thầm lặng thấu suốt các cặp tình “trong vô tận”. Xuyên thấu từ nghĩa hiển thị lẫn nghĩa lặn chìm trong con chữ tiểu thuyết của Vĩnh Quyền, khi miêu tả tình yêu truyền đời, truyền kiếp, xuyên suốt một dòng tộc, trải qua 5 thế hệ ở Huế.

Đấy quả là một nghiệm sinh rất thú vị của người-đọc-tôi, với tiểu thuyết Trong vô tận, và đặc biệt, với trò chơi cấu trúc rất hiện đại của nhà viết tiểu thuyết Vĩnh Quyền.

TS Nguyễn Thị Tịnh Thy đã đánh giá văn chương tiểu thuyết của Vĩnh Quyền khá tinh tường trong bài “Tìm trong vô tận…Yêu trong vô tận”. Cũng nhờ đấy mà tôi biết tác giả là hoàng thân nhà Nguyễn. Tịnh Thy nhận thực: Huế trong tiểu thuyết Vĩnh Quyền là Huế không “cố làm cho ra vẻ Huế”, bởi đó là “cái duyên Huế không huê dạng, không ai bắt chước được của “Mệ” Vĩnh Quyền” (cách Huế gọi người đàn ông hoàng phái). Đọc Trong vô tận, Tịnh Thy thâu nhận nhiều thông điệp nặng lòng về tình người, tình yêu của Huế. Và lớn nhất là sự “tiếc nuối thời hoàng kim một đi không trở lại của xứ Huế kiêu sa”. Về nghệ thuật viết tiểu thuyết, Tịnh Thy thấy, điều đáng nói nhất là sự “điều binh khiển tướng trong chiến lược tự sự độc đáo” của tác giả, bởi đã tránh được một lỗi rất hay bị mắc trong tự sự học: thay vì “kể như thế nào”, bằng “kể cái gì”. Và Tịnh Thy lấy làm tiếc, rằng “giá như tác giả xử lý mềm mại hơn về phép liên kết ngầm trong nội dung tiểu thuyết, thì tác phẩm sẽ tránh được một số chỗ lắp ghép khiên cưỡng”.

Với tôi, Trong vô tận là dòng ý thức triền miên trôi trong sự mềm mại như không của nước. Trong vô tận không thừa cái gì, bởi tiểu thuyết đã được tác giả nén chặt trong một lát cắt rất ngọt của vô tận. Nó đã “vô tận hóa” mười ngày, thời gian người con trai từ Mỹ trở về, lần đầu gặp và kịp ở bên người cha hấp hối. Và cũng “vô tận” luôn cái không gian nhà vườn-vương phủ quạnh hiu ở kinh thành Huế, nơi lưu trú của dòng tộc đã trải bao thế hệ sống-chết trong đó. Và không ngẫu nhiên, Vĩnh Quyền đã đề từ cho tiểu thuyết này, một câu hỏi hư vô: “Trong vô tận song song gặp nhau?”, khiến tôi liên tưởng câu thơ xa lắc của thi sĩ Chế Lan Viên: “Câu hỏi hư vô thổi nghìn nến tắt”…

Liên tưởng dẫn dụ tôi nghĩ: Không tìm được giọng kể tiểu thuyết chứa chan, tràn bờ từ dòng chảy ý thức của hai cha con nhân vật chính, bất chấp sự phi lý phi logic như thế, thì Vĩnh Quyền đâu có thể chơi được trò chơi cấu trúc lạ biệt, liên kết nhiều mảnh vỡ buồn trầm tím lịm Huế và long lanh Huế đến thế? Và đương nhiên, đã không thể có tiểu thuyết Trong vô tận.

Nỗi buồn sâu như vực thẳm ở đáy tiểu thuyết Trong vô tận, phải chăng là nỗi đau của trí thức Việt, và cũng chính là tuyên ngôn lấp lánh trí tuệ của tiểu thuyết này, khi nó muốn chuyên chở một thông điệp cốt lõi: “Việt Nam đã từng là một cường quốc Đông Á”. Tôi đã thích không chỉ mệnh đề ấy trong Trong vô tận, có lẽ vì đọc được nhiều điều ở giữa chữ và chữ. Chữ tiểu thuyết của Vĩnh Quyền rất đẹp và đẹp rất Huế. Mấy nhân vật đàn bà Huế, cả không Huế Trong vô tận thật ấn tượng. Họ chính là những khoảnh khắc/ những nơi chốn/ những mảnh tình riêng, đã nấn níu, đã yêu đầm đìa, chói chang, như giông gió, như lũ lụt, khiến vô tận trở nên hiện hữu với đúng bản chất của nó.

Zac Herman, nhà văn và dịch giả người Mỹ, đã có cuộc đối thoại thú vị với Vĩnh Quyền (“Mười ngày và vô tận”, Tạp chí Nhà văn và Tác phẩm số 29 – 2018, khi Trong vô tận còn là bản thảo). Cho rằng “Trong vô tận là một “tiểu thuyết thử nghiệm” và cảm hứng lịch sử là cảm hứng xuyên suốt, dù Trong vô tận không phải là tiểu thuyết lịch sử, Zac Herman đã hỏi về “vai trò của yếu tố lịch sử trong quá trình xây dựng chủ đề tiểu thuyết”. Nhà tiểu thuyết xác định: “Một khi nhân vật chính là chàng trai Việt 25 tuổi, sống nhiều năm ở Mỹ, chọn đề tài luận văn thạc sĩ: “Nước Đại Nam – một cường quốc Đông Á”, thì hẳn lịch sử phải là nguồn mạch quan trọng của tiểu thuyết”.

Chính xác. Bởi nhân vật thanh niên Huế tuổi 25 ấy đã được Vĩnh Quyền ấn định là người không hề thích “những ai quen nghĩ một Việt Nam nhược tiểu” và khao khát “làm rõ một đánh giá trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới, rằng Việt Nam năm 1820 – năm vua Gia Long băng hà sau 18 năm tái thiết đất nước và khắc phục hậu quả 27 năm nội chiến cũng như ngoại xâm – là một quốc gia có mức thu nhập bình quân đầu người tiếp cận ngưỡng trung bình thế giới, trở thành một trong năm nền kinh tế lớn khu vực Đông Á, điều đến nay, hai thế kỷ sau, người Việt chưa thể lặp lại”.

Tôi nghĩ, cái cử chỉ đặt tình yêu nước Việt vào đúng thời điểm lịch sử, năm 1820 huy hoàng ấy của Vĩnh Quyền, chủ thể tiểu thuyết, đã chứng tỏ người viết đủ bút lực tinh tế truyền dẫn tình yêu ấy vào hai nhân vật chính một cách mạnh mẽ và thông tuệ, khiến Trong vô tận khắc khoải tìm được sự đa thanh đáng giá của một tiểu thuyết ngắn. Và tránh được sự khô héo chính luận của một tiểu thuyết luận đề. Bởi nó đã hàm ngôn kiến tạo một mạch ngầm yêu nước chảy khôn nguôi trong tâm thế 5 cái Tôi-đàn-ông của 5 thế hệ, đặc biệt là hai cái Tôi Cha và Con, là hai thế hệ cuối cùng hiện tồn thời gian tiểu thuyết Trong vô tận.

Khép sách lần thứ ba đọc chậm, thì người-đọc-tôi mới thực sự thấu suốt và vỡ lẽ cái chủ đề không vô tận của tiểu thuyết Trong vô tận. Bởi chưng, nhà tiểu thuyết Vĩnh Quyền đã ý thức nâng tầm triết học cho cái sống của nhân vật 25 tuổi của mình, ngay ở thì hiện tại của tuổi 25, trong những trang cuối tiểu thuyết. Rốt cuộc, nhân vật đầu xanh tuổi trẻ ấy đã thâu góp được cái ý thức hàn gắn tình cha-con, trong hành trình tự mình hàn gắn đứt gãy, kết nối quá khứ vô tận của dòng tộc vào dân tộc, vào thời đại mình đang sống…

Và chính sự đa thanh ấy của tiểu thuyết ngắn Trong vô tận đã tự nó có quyền năng dẫn người đọc đến cái quyền đọc đa chiều. Và đọc chậm, với nhiều suy tư ngẫm ngợi.

Trong vô tận của nhà văn Vĩnh Quyền nhận Giải tiểu thuyết 2016-2019 Hội Nhà văn Việt Nam. Trước đó ông cũng đã nhận giải này (mùa 2011-2015) với Mảnh vỡ của mảnh vỡ, bản Việt ngữ của tiểu thuyết Debris of Debris (Đại học Saint Benedict, 2009, Mỹ – Nxb Austin Macauley, 2014, Anh – Lưu trữ Thư viện Quốc hội Mỹ).

PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái

 

 

Cùng chuyên mục

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chỉ thị số 40-CT/TW và sức mạnh từ sự đồng lòng ở Ea H’Leo

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Chuyên gia Mai Nguyễn Hoàng Nam: Nếu chưa đủ tư duy, kiến thức thì khoan hẳn khởi nghiệp, chỉ nên “lập nghiệp”

Lễ hội ẩm thực “MẶN MÀ ĐÀ NẴNG”: Xây dựng câu chuyện Văn hoá ẩm thực đặc sắc Đà Thành

Lễ hội ẩm thực “MẶN MÀ ĐÀ NẴNG”: Xây dựng câu chuyện Văn hoá ẩm thực đặc sắc Đà Thành

Giám sát triển khai tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 tại Krông Nô

Giám sát triển khai tín dụng ưu đãi theo Nghị định 28 tại Krông Nô

Ngân hàng CSXH huyện Krông Nô sơ kết hoạt động ủy thác quí I năm 2024

Ngân hàng CSXH huyện Krông Nô sơ kết hoạt động ủy thác quí I năm 2024

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Thắp sáng ước mơ đến trường từ vốn tín dụng chính sách

Bon PiNao “thay áo mới”

Bon PiNao “thay áo mới”

Krông Pắc: Tín dụng chính sách thắp sáng tương lai cho người chấp hành xong án phạt tù

Krông Pắc: Tín dụng chính sách thắp sáng tương lai cho người chấp hành xong án phạt tù