Thế giới rực rỡ, rộn ràng đón giao thừa mừng năm mới 2019

0:31 | 01/01/2019

Năm mới 2019 đã chính thức gõ cửa nhiều quốc gia trên thế giới, với những màn pháo hoa rực rỡ, không khí vui tươi và những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc.


Biển người đổ về Hồ Gươm đón năm mới 2019
Tối 31/12, hàng nghìn người đổ về phố đi bộ Hồ Gươm (Hà Nội) để vui chơi và tham gia các hoạt động chào mừng năm mới 2019, bất chấp cái lạnh “cắt da cắt thịt” của đêm cuối năm.

Bầu trời Sài Gòn rực sáng pháo hoa chào năm 2019

Trong khi các điểm countdown quanh hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) hút người lui tới thì tại phố đi bộ Nguyễn Huệ ở Sài Gòn, nhiều người háo hức xem màn pháo hoa đang diễn ra.

Không chỉ ở TP.HCM, Đà Nẵng, Hội An… nhiều người dân Hà Nội nhộn nhịp xuống phố chào đón giao thừa Tết Dương lịch 2019 dù thời tiết ở ngưỡng hơn 10 độ C.

Kết thúc màn đếm ngược, hàng nghìn người tại khu vực quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục cùng nhau nhảy múa chào đón năm mới 2019.

Khu vực Thái Bình Dương

Samoa, Tonga và Cộng hòa Kiribati là ba nơi đón giao thừa sớm nhất trên thế giới. Khoảng 17h ngày 31-12 (giờ Việt Nam), người dân trên quốc đảo Samoa ở Thái Bình Dương đã tạm biệt năm cũ 2018 với màn bắn pháo hoa rực rỡ.

Khoảng 1 giờ sau đó, New Zealand cũng chính thức bước sang năm mới 2019. Hàng trăm nghìn người đã tập trung tại nhiều thành phố lớn để thưởng thức màn trình diễn pháo hoa và ánh sáng đầy ấn tượng.

Pháo hoa rực sáng trên bầu trời Auckland, New Zealand.
Hội đồng thành phố Auckland đã quyết định cho phép người dân và du khách làm ồn “thả ga” để đón mừng năm mới 2019. Theo New Zealand Herald, giới chức thành phố trong tuần qua đã thông báo sẽ không tiếp nhận và xử lý đơn khiếu nại liên quan đến tiếng ồn trong khu thời gian từ 18h ngày 31/12/2018 đến 1/1/2019. Ảnh: Reuters

Mưa lớn, hàng ngàn người dân vẫn hào hứng chờ đợi trình diễn pháo hoa

Tại Sydney (Australia), hàng ngàn người dân đang háo hức chờ đợi tại Cầu cảng Sydney dưới mưa lớn để theo dõi trực tiếp màn pháo hoa chào đón năm mới. Trước đó, vào sáng nay (31-12), Cục Khí tượng Sydney đã dự báo khả năng xảy ra mưa lớn kèm theo sấm chớp vào cuối ngày tại khu vực phía Tây thành phố. Tuy nhiên, thời tiết sau đó được dự báo là sẽ ấm áp và có mây.

Sydney sẽ chào đón năm 2019 bằng màn trình diễn pháo hoa lớn kỷ lục với nhiều hiệu ứng và màu sắc mới trong 12 phút đêm giao thừa. Trước đó khoảng 3 tiếng là màn trình diễn “pháo hoa gia đình” tại khu vực Nhà hát Opera và Cầu cảng Sydney.

Người dân tụ tập tại Cầu cảng Sydney chờ xem pháo hoa chào đón năm mới.

Pháo hoa rực sáng bầu trời Australia

Nhà hát Con sò và Cầu Cảng tại Sydney rực sáng trong buổi đại tiệc pháo hoa đón mừng năm mới 2019. Trong sự kiện đón giao thừa năm nay, Sydney sử dụng gần 8,5 tấn pháo hoa. Ảnh: AAP

Nổi tiếng với những màn bắn pháo hoa nghệ thuật đẹp nhất thế giới, thành phố Sydney, Australia chính thức bước sang năm mới 2019 với màn trình diễn pháo hoa đẹp mắt, kết hợp với âm nhạc sôi động.

Pháo hoa thắp sáng bầu trời thành phố Sydney trong đêm giao thừa.

Người dân Australia vui mừng trong thời khắc bước sang năm mới 2019.

Không khí đón năm mới tại Trung Quốc

Tại Trung Quốc, Tết Dương lịch 2019 được chào đón bằng các sự kiện đếm ngược được tổ chức ở các thành phố lớn. Năm nay, Bắc Kinh tổ chức sự kiện gala với các khách mời VIP tại khu vực Sân vận động quốc gia Bắc Kinh – nơi diễn ra Thế vận hội mùa hè năm 2008, hướng tới Thế vận hội mùa đông 2022 sẽ được tổ chức tại đây.

Tại Thượng Hải, cảnh sát được tăng cường để đảm bảo an ninh ở các khu vực có tập trung đông người. Tại Hong Kong, các tòa nhà chọc trời nổi tiếng đều chiếu đèn màu sắc để làm nền cho màn pháo hoa, âm nhạc và trình diễn ánh sáng tại cảng Victoria. Dự kiến khoảng 300.000 người sẽ tập trung chứng kiến màn chào đón năm mới này.

Đèn lồng cỡ lớn tại Tây An, Thiểm Tây, Trung Quốc ngày 30-12.

Hàn Quốc bước vào năm 2019 với niềm hy vọng

Sau một năm đầy ắp sự kiện ở bán đảo Triều Tiên, với ba cuộc gặp cấp cao của lãnh đạo hai nước và việc căng thẳng hạt nhân đã được giảm thiểu đáng kể, Hàn Quốc bước vào năm 2019 với niềm hy vọng cho một nền hòa bình ổn định giữa hai miền.

Hàng nghìn người Hàn Quốc đã lấp đầy đường phố thủ đô Seoul, tham dự buổi lễ đánh chuông truyền thống gần tòa thị chính thành phố, đánh dấu bước sang năm mới 2019.

Ở một nơi khác, khoảng 10.000 người sẽ tham dự lễ đánh chuông hòa bình tại Imjingak, một công viên ở thành phố Panju, Hàn Quốc, cách khu phi quân sự 7 km. Nơi này được xây dựng với hi vọng một ngày nào đó 2 miền sẽ thống nhất.

Trong bối cảnh đó, nhiều người Hàn Quốc cũng như cộng đồng quốc tế đang trông đợi bài phát biểu năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un. Thông điệp năm ngoái của ông Kim được xem là bước khởi đầu cho sự hòa hoãn và những tiến triển trên bán đảo Triều Tiên trong một năm qua.

Pháo hoa thắp sáng bãi biển Jeongdongjin ở Gangneung, Hàn Quốc.Đúng thời khắc giao thừa, các ngôi đền và chùa ở Nhật Bản đồng loạt gióng lên 108 tiếng chuông truyền đi khắp đất nước theo nghi lễ Phật giáo để xua đuổi tà ma và chào đón năm mới.

Một phụ nữ cầu nguyện ở chùa Jogyesa tại thủ đô Seoul. Ảnh: AP.

Hong Kong chi 1,8 triệu USD cho đêm hội pháo hoa

Màn trình diễn pháo hoa và ánh sáng tại khu vực cảng Victoria của Hong Kong, chào đón năm mới 2019, tiêu tốn của thành phố gần 1,8 triệu USD.

Theo South China Morning Post, hơn 300.000 người đã đổ về khu cảng để đón xem màn trình diễn pháo hoa, ánh sáng, âm nhạc và hiệu ứng nổ nghệ thuật kéo dài 10 phút.

Những buổi lễ “countdown” được tổ chức trên nhiều tuyến phố và trung tâm thương mại ở các khu vực sầm uất như Causeway Bay, Lan Kwai Fong và Tsim Sha Tsui.

Ảnh: Reuters, Sky News.

Người Thái đón năm mới trong quan tài

Trong khi nhiều người chào đón năm mới bằng việc đi xem pháo hoa, hàng trăm người Thái đã đến ngôi đền Takien ở ngoại ô Bangkok để nằm vào các cỗ quan tài theo một nghi lễ truyền thống. Theo AP, những người tham dự tin rằng buổi lễ này, hiện thân của cái chết và tái sinh, sẽ giúp họ rũ bỏ những điều xui xẻo trong năm cũ và được “tái sinh” để có một khởi đầu mới trong năm tiếp theo.

Những người này nằm trong quan tài, tay cầm hoa và nhang. Họ được các nhà sư phủ một lớp vải màu hồng và cầu nguyện cho những người đã chết.

Ông Bubasa Yookong, một người đến đây cùng gia đình cho biết: “Điều này không hề đáng sợ. Chúng tôi tin rằng việc này giúp thoát khỏi xui xẻo và mang lại may mắn cho cuộc sống của chúng tôi”.

 

Amsterdam: Tiệc giao thừa bắt đầu từ chiều

Đinh Ngọc Thịnh, sinh viên Việt Nam đang học tập tại thủ đô Amsterdam của Hà Lan, cho biết bầu không khí trên đường phố đang bắt đầu nhộn nhịp, hầu hết mọi người tập trung ở các quán bar và gần đến khi giao thừa mới đổ ra đường để xem pháo hoa.

Thịnh cho biết vào lúc này mới chỉ là 3-4h chiều nhưng các bữa tiệc đã bắt đầu. Tại quảng trường Dam Square, mọi người đã bắt đầu tập trung đông đúc.

 

Tại Mỹ, các nhà báo nổi tiếng được mời dự lễ bấm nút hạ cầu tại Quảng trường Thời đại

Ban tổ chức lễ hạ cầu chào đón năm mới theo truyền thống tại Quảng trường Thời đại, New York (Mỹ) cho biết, một nhóm các phóng viên, biên tập viên từ các tờ báo lớn đã được mời đến tham dự sự kiện này và bấm nút kỷ niệm. Theo Chủ tịch Times Square Alliance (đơn vị tổ chức lễ chào mừng năm mới tại Quảng trường Thời đại) – Tim Tompkins: “Sự có mặt của các nhà báo là điều phù hợp với tiêu chí báo chí tự do và tiếng nói tự do mà chúng tôi muốn thể hiện trong năm cũ và đó là những thứ mà chúng tôi cho là giá trị nhất trong một xã hội”.

Năm nay, Quảng trường Thời đại sẽ tổ chức lễ chào năm mới với sự góp mặt của nhiều ca sĩ nổi tiếng. Theo dự báo, thời tiết tối giao thừa sẽ dễ chịu hơn năm ngoái và có thể sẽ xuất hiện mưa lúc đếm ngược.

Quả cầu pha lê năm nay được làm từ 32.000 bóng đèn LED và hơn 2.000 tấm pha lê Waterford. Nhiều ngôi sao thế giới dự kiến biểu diễn các tiết mục sôi động phục vụ khoảng một triệu người tập trung ở quảng trường suốt 6 giờ trước lễ đón năm mới.

Anh, Pháp thắt chặt an ninh 

Các nhà chức trách Anh đã đẩy mạnh công tác tuần tra, giám sát nhằm bảo đảm an ninh trong đêm giao thừa. Tại các điểm bắn pháo hoa, người tham dự chỉ được phép mang những đồ dùng thiết yếu và không được phép mang theo ba lô hay vali.

Tại Pháp, hơn 147.000 nhân viên an ninh đã được điều động để bảo đảm an toàn cho các hoạt động đón năm mới trên toàn nước Pháp trong bối cảnh những người biểu tình phong trào “Áo vàng” dự kiến sẽ tuần hành ở khu vực trung tâm thủ đô Paris. Hàng chục nghìn sĩ quan cảnh sát, binh sĩ và lính cứu hỏa cũng đã được yêu cầu sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tại nhiều thành phố lớn trong cả nước đề phòng xảy ra sự cố như vụ tấn công khủng bố khiến 5 người thiệt mạng tại chợ Giáng sinh Strasbourg hồi đầu tháng 12.

Pháp tăng cường an ninh đề phòng nguy cơ bạo loạn và khủng bố.

Nhiều quốc gia châu Á cùng bước sang năm 2019

Tại Bangkok, Thái Lan, những màn trình diễn nghệ thuật chào năm mới đang diễn ra sôi động, với những màu sắc rực rỡ, thu hút đông đảo người dân đến xem.

Còn tại Ấn Độ, vẽ hình cờ tổ quốc cùng dòng chữ “Happy new year 2019” lên mặt là cách mà một số bạn trẻ chào đón thời khắc bước sang năm mới.

Triều Tiên chào năm mới 2019 với màn trình diễn nghệ thuật quy mô lớn ở thủ đô Bình Nhưỡng, với sự tham gia của nhiều ca sĩ, nghệ sĩ múa. Sau phần trình diễn nghệ thuật là màn bắn pháo hoa hoành tráng.

 

Tại Tokyo, đông đúc người dân đổ ra đường chứng kiến khoảnh khắc đếm ngược chào năm 2019. 

Đông đảo người dân đổ ra đường phố Tokyo xem chương trình đếm ngược.

Trong khi đó, chính quyền Singapore “chiêu đãi” người dân màn pháo hoa sớm rực rỡ tại Vịnh Marina.

Pháo hoa sáng rực một khoảng trời khu vực Vịnh Marina.

Trung Quốc đã khép lại năm 2018 với dấu mốc quan trọng đánh dấu 40 năm cải cách và mở cửa đầy thành công đưa quốc gia này từ một nước nghèo trở thành một siêu cường kinh tế của thế giới. Trong bài phát biểu nhân dịp năm mới 2019, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định, tiến trình cải cách và mở cửa sẽ tiếp diễn, trong đó Bắc Kinh sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn 100 cải cách trong nhiều lĩnh vực.

Tại Hong Kong, sau thời khắc đếm ngược tới năm mới, khoảng 300.000 người dân đã có dịp chiêm ngưỡng pháo hoa rực rỡ đầy màu sắc thắp sáng bầu trời.

Thông điệp năm mới của tổng thư ký LHQ

Trong thông điệp trước thềm năm mới 2019, đăng tải vào ngày 28/12, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres một lần nữa nhắc nhở thế giới rằng biến đổi khí hậu là mối đe dọa đến sự sinh tồn của nhân loại. Ông cảnh báo “giờ đây là lúc chúng ta cần nắm lấy cơ hội tốt nhất và cuối cùng của nhân loại”.

Nhà ngoại giao hàng đầu Liên Hợp Quốc cũng ghi nhận sự gia tăng về chia rẽ địa chính trị, bất bình đẳng và vô cảm trên thế giới. Ông bày tỏ mối lo ngại khi “một vài người lại nắm trong tay sự giàu có của một nửa nhân loại”.

“Tuy nhiên, tôi thấy vẫn còn nhiều lý do để chúng ta tiếp tục hy vọng. Bước sang năm mới, tôi hy vọng chúng ta thêm quyết tâm đối diện các mối đe dọa, bảo vệ nhân phẩm và cùng xây dựng một tương lai tốt đẹp hơn”, ông Guterres nhấn mạnh.

Ảnh: Liên Hiệp Quốc.

‘Dịp hiếm hoi để thấy sự lộn xộn của người Đức’

“Người Đức có thói quen tự bắn pháo hoa mừng năm mới. Mặc dù chính quyền thành phố thường chỉ bắn 15 phút giao thừa như ở Việt Nam, giới trẻ Đức đã mua và bắt đầu bắn pháo hoa từ sau Noel kéo dài đến sáng ngày 1/1 năm mới”, Việt Hưng, 25 tuổi, du học sinh tại Flensburg, bang Schleswig-Holstein, Đức, chia sẻ với Zing.vn.

“Đặc biệt, đêm giao thừa là dịp hiếm hoi để thấy sự lộn xộn của người Đức, khi mà xe cứu thương và lính cứu hỏa phải túc trực ở những địa điểm đông người để đề phòng tai nạn, cũng như dọn dẹp bãi chiến trường do người dân đi ăn mừng năm mới để lại, như mảnh vỏ chai, xác pháo hoa”, Hưng cho biết.

Đêm giao thừa, trong khi giới trẻ đa phần đổ ra đường xem pháo hoa và tiệc tùng, người già thường đón năm mới lặng lẽ hơn ở các nhà hàng, nơi họ nâng ly rượu vang, ăn berliner (một loại bánh đặc trưng của Đức) và nhảy một điệu để mừng năm mới.

“Mình cảm nhận rõ điều này do từng làm việc tại nhà hàng người Hoa vào đúng đêm giao thừa năm 2018. Đêm đó mình phục vụ xong cũng chạy ra phụ bắn pháo hoa với các nhân viên nhà hàng. May mắn là cuối ngày còn được lì xì 20 euro”, Hưng chia sẻ.

Người Đức có truyền thống tự bắn pháo hoa để ăn mừng năm mới. Ảnh: Michael Schulz.

Người Việt ở Nhật làm mì soba tiễn đưa năm cũ

Từ Tokyo, Nhật Bản, hai bạn Thái Anh (bên phải trong ảnh) và Trà My cho biết một số người Việt ở Nhật làm món mì soba để ăn trong ngày cuối năm. Theo quan niệm của người Nhật, mì soba dễ đứt, nên món ăn này sẽ giúp cắt đứt những xui xẻo của năm cũ để chào đón năm mới.

Ngoài ra, truyền hình Nhật sẽ có chương trình đặc biệt “Kohaku” vào tối giao thừa, giống như chương trình Táo Quân của Việt Nam. Các ca sĩ nổi tiếng sẽ chia thành 2 đội đỏ và trắng, lần lượt biểu diễn từ 7h tối đến 12h đêm.

Ảnh: NVCC.

 

ĐT/Tổng hợp

 

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

BẾN TRE: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam xã Phú Hưng lần thứ VI

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Sôi nổi Hội thi Nghiệp vụ chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ “Tổ liên gia an toàn PCCC” thành phố Hà Tĩnh năm 2024

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI

TẬP HUẤN NÂNG CAO KIẾN THỨC VÀ KỸ NĂNG TƯ VẤN PHÁP LUẬT CHO PHỤ NỮ LÀ NẠN NHÂN CỦA BẠO LỰC GIỚI