Nhà viết kịch Ngọc Linh

15:45 | 26/07/2021

Tôi cứ lần nữa mãi khi đặt bút viết về người thân – Nhà viết kịch Ngọc Linh. Suốt những năm viết cả trăm bài phê bình sân khấu tôi chưa từng viết về các tác phẩm của ông. Tâm lí hơi e ngại là có khi người ta hay tâng bốc nhau vì những quan hệ đời thường, như chuyện ông nhà thơ nọ hay viết bài ca tụng ông nhà thơ kia, rồi ông nhà thơ kia lại đăng đàn trả ơn ông nhà thơ nọ.. Nhưng thật ra tôi cũng chưa tìm được chìa khóa, không biết nên bắt đầu từ dung mạo nào của ông: Một nhà văn chuyên viết tiểu thuyết, nhà báo, nhà giáo hay một nhà viết kịch. Bởi sự nghiệp hơn nửa thế kỷ sáng tác của nhà văn Ngọc Linh khá đồ sộ, với mấy chục bộ tiểu thuyết thuộc hàng ăn khách nhất ở miền Nam, trước 1975. Ông cũng là ký giả kịch trường, thành viên hội đồng tuyển chọn giải thưởng “Thanh Tâm” từng được trao cho các nghệ sĩ tài danh như Thanh Nga, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết, Lệ Thủy, Diệp Lang, Thanh Tòng, Bảo Quốc.. và sau này ông là người sáng lập giải thưởng “Trần Hữu Trang” giải thưởng lớn duy nhất không chỉ của sân khấu cải lương miền Nam. Ông là thư ký tòa soạn tuần báo “Nhân loại” từ khi mới 27 tuổi và nhiều báo khác trước 1975. Sau này ông giữ cương vị phó tổng biên tập báo sân khấu TP.HCM, từng là thày dạy và phụ trách nhiều thế hệ trại sáng tác kịch bản sân khấu, cũng như bộ môn biên kịch trường nghệ thuật sân khấu 2. Ông đã viết nhiều tác phẩm gây tiếng vang cho cả kịch nói, cải lương, hát bội, phim truyện truyền hình dài tập.. và đoạt nhiều huy chương vàng qua các đợt hội diễn SK chuyên nghiệp toàn quốc. Thậm chí đã có hội diễn thập niên 80 ông đoạt cùng lúc 3 huy chương vàng..

Hồng Vân và Hồng Đào trong kịch Ngôi nhà không có đàn ông.

Với tôi, ông vừa là người cha, bạn vong niên, người thày đầu tiên trong nghề sân khấu. Chẳng là thời đó tôi mới chân ướt chân ráo ở bộ đội chuyển nghành ra, làm ở quận 5, Tp.HCM. Một hôm, bà sếp cơ quan cười cười bảo “Tôi thấy cậu cũng có văn hóa, hay cậu thử tạt qua dự trại sáng tác SK quần chúng của quận đi”. Tôi đến trại sáng tác ở khu vui chơi Đại thế giới cũ, nay là trung tâm văn hóa quận 5, với tâm trạng hờ hững như để giết thời gian, bởi tôi chưa từng nghĩ sẽ theo nghề SK. Cái ấu trĩ của bọn trẻ dại khờ yêu văn chương thời ấy cứ tưởng chỉ có thơ mới là đỉnh, là cao sang danh giá..

 Nhìn ông thày đang ngồi giữa đám học trò dưới tàn cây trứng cá, tôi nghĩ thầm trong bụng “Trời ơi, sao lại có ông thày to như ông hộ pháp ngồi dạy viết văn..”. Không ngờ những bài giảng về nghệ thuật biên kịch, khát vọng công dân, lý tưởng sáng tác và vốn sống ngồn ngộn của ông đã thu hút tôi ngay từ buổi đầu tiên. Sau này tôi mới biết, với tên cúng cơm Dương Đại Tâm, ông còn là võ sư tam đẳng huyền đai Aikido, nhị đẳng huyền đai Taekwondo và từng phụ trách một võ đường Aikido lớn trên đường Điện Biên Phủ, quận 1.

Kỷ niệm vui vui là trong trại sáng tác lúc bấy giờ có một cô tác giả trẻ trông cũng khá xinh, nhưng hễ đến giờ giải lao là săn đón nhào lên bưng nước, tự lấy khăn lau mặt cho thày.. Tôi ghét lắm. Vốn ghét thói đời nịnh bợ, nên chờ dịp cô ấy đọc đề cương kịch bản liền phang tới tấp. Tôi còn nhớ đó là kịch bản mang tên “Mây vẫn xanh”. Cô ấy hơi hoảng vì cách góp ý quá hung hăng, băm bổ của tôi. Sau này cô ấy nói, ngay từ bữa đó ông thày Ngọc Linh đã bảo “Tao thấy thằng Trung nó để ý mày..”. Cô giãy nảy “Lão ta trông phát khiếp. Người nặc nồng mùi thuốc lá, đến trại sáng tác mặt lúc nào cũng say rượu đỏ gay”.

Dường như sự nhạy cảm và vốn sống của một nhà văn rất cao tay trong việc khắc họa tâm lý nhân vật đã giúp ông đọc được những tình cảm ẩn giấu trong lòng người khác. Cũng như ông hay ngồi lai rai cà phê cả buổi để tám với các đồng nghiệp nữ, như nhà văn Trầm Hương, Nguyễn Thị Minh Ngọc, đạo diễn Hoa Hạ… Chắc họ không sao ngờ rằng, ngoài những câu chuyện lan man về nghệ thuật, ông luôn ngầm quan sát họ để dành vốn sáng tác cho những nhân vật nữ của mình. Với ông, tất cả người xung quanh, ngay cả vợ con cũng đều là đối tượng văn học. Ông không bao giờ bỏ phí cơ hội quan sát cuộc sống. Bởi hình tượng người đàn bà từng là trung tâm, hạt nhân cảm xúc trải dài trong các tác phẩm của Ngọc Linh. Ông hay nói với tôi “Người đàn bà không chỉ là nhân vật trung tâm của văn học nghệ thuật; mà còn là đối tượng khán giả độc giả chủ yếu, cần hướng đến của văn học nghệ thuật”, hoặc “Nhà văn có thể bịa ra tất cả, nhưng không thể bịa ra chi tiết tâm lý nhân vật”… Tôi học được ở ông rất nhiều điều, nhưng không sao học được sự cần mẫn đến từng giây phút sống của một nhà văn có trách nhiệm với nghề như ông. Đối với ông, viết văn là một nghề nghiêm túc, nhà văn chuyên nghiệp phải tạo ra thi hứng chứ không chờ thi hứng chợt đến với mình. Chẳng thế mà năm nào cứ đúng sáng mùng 2 tết là ông lại ngồi vào bàn khai bút, đi đâu du lịch với vợ con dù vui mấy ông cũng dành khoảng thời gian lặng lẽ cà phê một mình suy tưởng, hay trước ngày mất ông vẫn viết quần quật ngày tầm mười mấy tiếng cho bộ phim truyền hình dài 100 tập “Đại gia đình” do hãng phim nghệ sĩ Phước Sang đặt hàng.

 Còn cái cô đồng nghiệp xinh xinh hay lấy khăn lau mặt “Nịnh” thày tôi nhắc ở trên, sau này là vợ tôi..

26/6 hàng năm là ngày giỗ của nhà viết kịch Ngọc Linh. Ngày ông mất bạn bè văn nghệ sĩ, báo chí đến viếng rất đông, ngồi tràn ra cả hai bên con hẻm nhỏ trên đường Bùi Hữu Nghĩa, quận 5. Ông sống vốn xuề xòa bình dị, quanh năm đi chiếc Vespa, chỉ diện chiếc quần jeans, áo bỏ ngoài quần, nên người dân trong hẻm cứ thắc mắc, sao đám tang ông nhà văn này nghệ sĩ đông thế… Một chi tiết làm tôi ấn tượng trong đám tang, là ông thủ tướng Võ Văn Kiệt thời đó cho thư ký riêng mang vòng hoa tới viếng, với dòng chữ “Võ Văn Kiệt vô cùng thương tiếc Ngọc Linh”. Vòng hoa không ghi những chữ như “Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, hay “Nhà văn Ngọc Linh” mà chỉ giản đơn như tình bạn bè thương khóc bạn. Trong khi ba vợ tôi cả đời thường tìm mọi cách lẩn tránh những ai có chức có quyền. Tôi có cảm giác ông Võ Văn Kiệt ngày đó hòa nhập với anh em trí thức, văn nghệ sĩ bằng cái tình và lợi ích quốc gia nhiều hơn là thói quen ngồi xe máy lạnh đến các hội nghị, đứng lên bục phát biểu chỉ đạo, rồi lên xe ra về sau tiếng vỗ tay.

Nghệ sĩ Mỹ Châu và Tuấn Thanh trong tác phẩm cải lương Nàng Hai Bến Nghé.

Tôi cũng có cảm nhận điều giản dị này ở ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh, hay Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết mà tôi từng được Hội sân khấu TP. HCM giao tổ chức lễ đón tiếp các ông. Phải chăng, sự thật tâm coi trọng người làm văn nghệ một cách chân thành sẽ đón nhận được nhiều niềm tin, ngay cả khi còn chưa thật sự có điểm chung về tư tưởng văn hóa, chính trị xã hội giữa lãnh đạo chính quyền và văn nghệ sĩ?

Trong cuộc đời sáng tác của nhà viết kịch Ngọc Linh đã có vài lần bị suy diễn, chụp mũ, gán ghép cho những tội về chính trị. Đặc biệt là đến vở cải lương “Muôn dặm vì chồng”, đạo diễn NSND Huỳnh Nga, trên SK đoàn cải lương văn công thành phố. Tác phẩm này ông viết về vợ chồng nhà trí sĩ yêu nước Bùi Hữu Nghĩa (Như để trả ơn tên con đường mà gia đình ông đang sống) dám xả thân chống nạn cường hào ác bá tại tỉnh Vĩnh Long, nơi Bùi Hữu Nghĩa làm quan tri huyện. Tác phẩm sau đó được trao tặng giải thưởng nhà nước, nhưng khi ra đời bị đánh lên đánh xuống, bắt duyệt đi duyệt lại rất nhiều lần và người tự nguyện giơ lưng chịu đòn cùng anh em nghệ sĩ chính là ông Dương Đình Thảo – Giám đốc sở VHTT lúc bấy giờ.

    Một buổi chiều ba vợ tôi chạy xe về nhà bị lên máu, mặt đỏ gay. Tối đến ông mới nói với riêng tôi, một lão siêu hội đồng duyệt vỗ vai ông, cười nhớt nhả “Nếu Ngọc Linh biết tìm đến nhà tôi từ sớm, thì đã không phải khổ thế này”. Cuối cùng vở diễn phải tổ chức riêng một đêm mời cố Bí thư thành ủy Nguyễn Văn Linh đi xem. Ông Linh hơi trầm ngâm, nói ngắn gọn “Trước khi xem, tôi nghe người ta báo cáo vở này ám chỉ chửi cộng sản, xúi giục người dân đánh trống kêu oan. Tôi thấy đây là vở lịch sử tốt, ca ngợi nhà trí sĩ thương dân yêu nước và người vợ thủy chung. Còn nếu có anh cán bộ biến chất nào xấu như ác bá cường hào phong kiến trong vở diễn, thì phê phán là đúng”.

Tác phẩm được ra công chúng, trước hết phải kể đến bản lĩnh và lương tâm của nhà quản lý, quyết tâm bảo vệ nghệ thuật đến cùng của ông Dương Đình Thảo. Sau này tôi cũng có vài kỷ niệm và rất quý cách sống của ông. Một lần, khi đang làm trưởng ban tư tưởng văn hóa thành ủy, ông có viết một bài rất to trên báo SGGP. Tình cờ buổi tối, tôi gặp hai ông bà đi xem chương trình ở nhà hát TP. Vừa thấy tôi, ông hỏi ngay “Ê Trung, mày thấy bài tao viết thế nào? ”. Tôi đáp  “Cháu không dám có ý kiến. Khen thì chú bảo nịnh, mà chê thì chú bảo sao thằng này hỗn”. Ông quay sang liếc nhìn vợ, cười phớ lớ “Ơ! Thằng này láu cá nghe. Mày nói thế là tao biết khen hay chê rồi”. Thế đấy. Và tôi tin những người như ông Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, Dương Đình Thảo… là  tấm gương cho những người lãnh đạo ngành văn hóa tư tưởng Việt Nam sau này.

Nhưng dù được đích thân bí thư thành ủy xem duyệt, tác phẩm khi ra khán giả vẫn không được lấy tên “Muôn dặm vì chồng”, mà phải đổi thành cái tên rất ngô nghê, vô thưởng vô phạt ngoài tư tưởng tác phẩm “Muôn dặm sơn khê”. Đó cũng là chuyện thường xảy ra trong đời sống văn nghệ suốt những năm bao cấp.

Sở dĩ tôi kể những chuyện này, bởi đến tận bây giờ nhiều tác phẩm hay về đề tài lịch sử cũng bị bắt đổi tên, nhân vật chính sử bị đổi sang dã sử, hay mấy ông hội đồng giám khảo các cuộc hội diễn không chấm vở diễn mà chỉ chấm diễn viên… với những lý do hết sức vu vơ, cảm tính, như một số chi tiết lịch sử, nhân vật còn nhạy cảm, vẫn nhiều luồng ý kiến… Trong khi ai cũng biết, sáng tạo nghệ thuật không phải sự sao chép tư liệu lịch sử, vốn dĩ đã quá sơ sài, theo thiên kiến chủ quan của các sử thần phong kiến. Văn học nghệ thuật không chỉ phản ánh một thời kỳ lịch sử, mà phản ánh sự suy ngẫm về lịch sử. Không đủ tầm kiến thức, không dám mở cửa sáng tạo, đôi khi chỉ buông ra vài câu phán miệng, nhưng lại là những lực cản mà người làm nghệ thuật rất khó vượt qua.

Còn rất nhiều điều có thể kể về ba vợ tôi. Mà nếu không có ông, tôi đã không có cuộc sống và con đường viết lách như ngày hôm nay. Ngày tôi ở lính ra, tứ cố vô thân, không nhà không cửa, lấy vợ thì đi ở rể. Vợ thì ôm cái bụng bầu học LLPB năm thứ nhất trường SK-ĐA. Ông bảo tôi “Tao nuôi mày 2 năm. Mày không phải lo kiếm tiền, miễn là có tác phẩm”. Vậy là kho sách thời ông làm nhà xuất bản, tấm Tapi tập võ, đồ đạc trong nhà, cả đến những ống Pip, hộp quẹt mà ông quý hơn vàng (Bởi ông từng là dân chơi sành điệu số một Sài gòn về ống Pip, hộp quẹt).. lần lượt ra đi. Sáng sáng ông lấy xe Vespa chở tôi đi ăn, thỉnh thoảng lại lẳng lặng dúi cho ít tiền. Cầm tiền của ông sao tôi không thấy nhục, càng nung nấu quyết tâm lao đầu vào viết lách để có tác phẩm.

Tôi từng đi giảng bài cho sinh viên các trường văn hóa nghệ thuật và tôi hay nói với các em “Một người làm nghệ thuật dù có tài đến mấy mà không có nhân cách, thì quá lắm anh cũng chỉ ở tầm hoạt ngôn, dối trá”.

Vượt qua thói thường của quan hệ gia đình, có thể nói ba vợ tôi – Nhà viết kịch Ngọc Linh – đã viết và sống đúng với nhân cách đẹp của một nhà văn. Dù vài chuyện bây giờ mới kể, nhưng trong tâm trạng tôi lúc này vẫn thấy mình chưa đền đáp được gì cho ông, viết chưa hay về ông. Tôi còn nợ ông nhiều lắm..

 

Lê Chí Trung

 

 

      

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ