Họa sĩ cả đời mê vẽ trâu

9:45 | 11/02/2021

“Trâu là linh vật rất gần gũi với đời sống người nông dân. Tôi muốn lưu giữ một chút nét văn hóa đặc trưng của cư dân nền nông nghiệp lúa nước và gửi gắm niềm ước vọng bình an, no ấm đến mọi nhà trong mùa xuân năm mới”, anh Ngô Thanh Hùng, họa sĩ mê vẽ tranh trâu, Giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng chia sẻ. 


Họa sĩ Ngô Thanh Hùng với bức vẽ trâu tại triển lãm “Nghiệp”.

Bộ tranh 30 tác phẩm bằng chất liệu sơn dầu và acrylic về hình tượng con trâu do họa sĩ Ngô Thanh Hùng sáng tác trong 10 năm vừa được chính thức giới thiệu với công chúng tại triển lãm “Nghiệp” ở Bảo tàng Mỹ thuật Đà Nẵng. Với họa sĩ Hùng, lấy chủ đề “Nghiệp” đơn giản là vì hình ảnh con trâu trong văn hóa dân gian Việt Nam: “Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia…”.

Họa sĩ Ngô Thanh Hùng sinh năm 1982, giảng viên Trường Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Là thầy giáo nhưng nhiều người gọi họa sĩ Hùng bằng biệt danh Hùng “Trâu”. Lý do, tuổi đời còn rất trẻ nhưng hơn chục năm nay, anh mê vẽ trâu. Tranh về chủ đề trâu của anh không nhiều, tầm vài chục bức trong suốt 10 năm, dồn lại cho triển lãm đầu xuân Tân Sửu.

Anh Hùng cho biết, mình sinh ra ở vùng quê thuần nông nghiệp ở miền Trung, tuổi thơ cũng gắn liền với những buổi chăn trâu, cắt cỏ, theo cha ra ruộng cày. Không chỉ riêng Hùng, với người dân quê nào cũng vậy, anh tin rằng hình ảnh con trâu gắn bó với mỗi người rất thân thuộc. Vì thế, anh muốn vẽ dòng tranh này, không chỉ để thử sức nét vẽ mà còn muốn lưu giữ một nét văn hóa thuần nông gần gũi với người nông dân Việt Nam.

10 năm trước, mùa chọi trâu ở Đồ Sơn, họa sĩ Ngô Thanh Hùng đã khăn gói tìm về Hải Phòng suốt mấy tuần liền, theo dõi từng trận chọi trâu, quan sát tỉ mỉ từng tư thế, từng ánh mắt của con trâu. Ghi nhớ từng chi tiết, từng khoảnh khắc để phác ra nét vẽ thật chính xác.

Theo họa sĩ Hùng, anh chọn chọi trâu để phục vụ cho mục đích sáng tác các tác phẩm hội họa đầu tiên về chủ đề trâu của mình, bởi chọi trâu là một trong những lễ hội văn hóa dân gian đặc sắc của văn hóa người Việt. Chọi trâu không chỉ là nét văn hóa, tinh thần và mà còn có ý nghĩa tâm linh của người nông dân với mong muốn cầu cho mưa thuận gió hòa, cầu mong cho mọi người trong gia đình một năm có nhiều sức khỏe, may mắn, ấm no, hạnh phúc, xua đuổi mọi điều xấu, tà ma…

Trong những tác phẩm vẽ về chọi trâu, họa sĩ Hùng gửi gắm vào đó là sức mạnh của tự nhiên qua những khối mảng, đường nét thể hiện cơ bắp cuồn cuộn, những cái đầu lạnh cùng cặp sừng cong vút và đôi mắt rực lửa… thể hiện sức mạnh của ý chí, kiên cường, bất khuất trước đối thủ to lớn, cho người xem cảm nhận được sức mạnh bùng nổ từ bên trong.

“Vẽ trâu chọi khó gấp nhiều lần vẽ trâu thường. Khó nhất trong một bức tranh vẽ trâu chọi là phác nét chính xác để thể hiện được sức mạnh cơ bắp, sức mạnh tinh thần thông qua đôi mắt của trâu khi hai con nhìn nhau, đặc tả từng tư thế va chạm trên sân chọi. Bức tranh có hồn, có sống động hay không là nhờ vào những nét vẽ ấy”, anh Hùng chia sẻ.

Đam mê hình ảnh trâu chọi, để hoàn thành nó, họa sĩ Ngô Thanh Hùng nhiều khi phải mất cả tháng mới hoàn thành được một bức tranh đặc tả một tư thế chọi của trâu. Có lẽ vì thế mà những bức tranh trâu chọi của anh luôn được người thưởng lãm nhận xét, có sức hút kì lạ.

“Từng màu sơn, nét cọ đều thể hiện sự tập trung cao độ và niềm đam mê của người họa sĩ. Những chú trâu chọi dưới nhiều góc độ khác nhau trên sân đều toát lên sức mạnh cơ bắp trong tì đè, đẩy đối thủ với ánh nhìn sắc lẹm. Xem tranh có cảm tưởng như đang xem hình ảnh thật”, một người xem tranh bày tỏ.

Bắt đầu từ hình ảnh trâu chọi để đưa vào tranh nhưng Ngô Thanh Hùng vẫn dành thời gian cho các bức vẽ chủ đề linh vật trâu bình thường. Như trên đồng cỏ với mục đồng thổi sáo trên lưng, trên ruộng cày hay những chú trâu thong thả nằm nghỉ ngơi bên góc tre với nhiều sắc màu xanh tươi về miền thôn dã bãi biền yên bình thời thơ ấu.

Ngô Thanh Hùng bộc bạch, vẽ những chú trâu bình thường, ngắm nhìn lại những bức tranh ấy, anh như được trở về với thời tuổi thơ gian khó nhưng yên vui cùng bạn bè. Con trâu là đầu cơ nghiệp và từ lâu con trâu đã đi vào đời sống văn hóa tinh thần của người Việt.

Hình ảnh con trâu là một biểu tượng của văn hóa văn minh nông nghiệp lúa nước khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng. Những hình ảnh thân thuộc như trâu cày, ăn cỏ, đằm nước, cho đến các lễ hội như đua trâu, đâm trâu, chọi trâu…

Triển lãm tranh chủ đề linh vật trâu vào đúng mùa xuân Tân Sửu, Ngô Thanh Hùng chia sẻ, đó đã là niềm hạnh phúc lớn bởi niềm ấp ủ 10 năm đã thành hiện thực. Hạnh phúc hơn cả là qua tranh vẽ, Ngô Thanh Hùng như đã trao đi một chiếc vé trở về tuổi thơ cho người xem. Và biết đâu đấy, giấc mơ mục đồng sẽ đem lại những nụ cười cho ai đó quanh năm tất bật áo cơm giữa phố phường. Chắc hẳn khi ấy, với họ sẽ có một giấc mơ đẹp, yên bình nhất giữa mùa xuân năm mới!

 

Theo PLO

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024