Chuyện ly kỳ về cuộc chiến giữa ‘khuyển vương’ và mãng xà Phú Quốc

22:51 | 14/09/2018

Nhâm nhi chén trà đặc, ông Ba Thành nói với chúng tôi rằng, đến nay, người dân Phú Quốc vẫn còn truyền tai nhau trận “thư hùng” kinh điển giữa 6 chú chó Phú Quốc và con mãng xà to lớn.


 

Ở Phú Quốc, có hai con vật được người ta nhắc đến nhiều nhất đó là chó Phú Quốc và rắn hổ mây. Nhiều thợ săn từng kể lại rằng, ai “vô phúc” mới phải đối diện với rắn hổ mây khổng lồ. Chúng dài cả chục mét, thân to bằng cái phích, có thể nuốt chửng một con bò. Cứ nhắc đến loài rắn này là các thợ săn giỏi nhất cũng phải kinh hồn khiếp vía. Tuy nhiên, ở Phú Quốc từ lâu đã rộ lên câu chuyện, 6 chú chó xoáy hạ “đo ván” được một “ông mây” nặng đến cả vài tạ.

“Thần chết” trên đảo Phú Quốc

Đến nay, đi đến đâu, gặp bất cứ ai, hỏi về rắn hổ mây người ta đều có thể kể được hàng tá câu chuyện ly kỳ. Con vật này còn được gọi với cái tên “rắn chúa” và “thần chết”. Trước đây, người dân Phú Quốc còn ăn rừng, ngủ rừng nhiều lắm. Cuộc sống của họ gắn liền với những chuyến đi săn dài cả tháng trời. Ngày đó, đối với bất cứ gã thợ săn nào, từ nghiệp dư đến chuyên nghiệp, mỗi khi vác súng đi săn “giọt máu rừng đều chắp tay cầu nguyện không gặp phải rắn hổ mây. Bởi, nếu gặp “rắn chúa” họ sẽ xác định rằng, đó là chuyến đi lành ít dữ nhiều.

Một chú chó Phú Quốc. (Ảnh Vương Chân)

Ông Ba Thành cho biết, rắn hổ mây ngày ấy thường gieo nỗi kinh hoàng cho tất cả người dân Phú Quốc. Các cụ già thường kể rằng, nhiều thợ săn mất xác vì đụng độ rắn hổ mây. “Rắn chúa” chỉ đi bằng đuôi, người dựng cao cả chục mét. Mỗi lần di chuyển săn mồi, rắn đều thở phì phì khiến lá cây xào xạc, rơi lả tả. Chúng lao nhanh như gió, phần đầu còn cao hơn cả tán cây rừng. Bất cứ thợ săn nào gặp phải chúng cũng đều bỏ của chạy lấy người, họ cứ chạy và “thần chết” đuổi sau lưng”, ông Ba bảo vậy.

Được biết, ở Phú Quốc, nhiều người thợ săn phải “buông súng”, bỏ nghề săn bắn vì đụng độ rắn hổ mây. Thậm chí, có người sau lần chết hụt đã lên chùa, cạo tóc đi tu để cảm tạ trời đất. Đối với họ, do tổ tiên có phúc, trời, Phật thương thì mới trốn thoát khỏi nọc độc của “rắn chúa”. Theo ông Ba Thành, cũng có người phát điên, bỏ đi biệt tích sau lần đối mặt với “ông mây” khổng lồ.

Tâm sự với PV, ông Ba Thành thều thào bảo: “Hiện nay tôi đang sống ở Sài Gòn nhưng sự ám ảnh của rắn hổ mây vẫn còn đọng lại. Có lẽ vì tôi được nghe quá nhiều câu chuyện kinh dị về loài bò sát này. Ở thành phố, khi tôi kể những câu chuyện về “ông mây” hầu như ai cũng cho là huyễn hoặc. Thậm chí, người ta còn nói thần kinh của tôi có vấn đề. Bởi những con ác xà khổng lồ như vậy chỉ có ở trong những câu chuyện thần thoại. Tuy nhiên, họ đâu biết rằng, một thời, người dân Phú Quốc đã phải sống trong nỗi sợ hãi và hoang mang như thế. Thế hệ sau không tin cũng phải, vì bây giờ đã cách quá xa những năm tháng ấy. Hơn nữa, các câu chuyện ly kỳ về hổ mây giờ đây cũng mai một đi nhiều. Chỉ những người già như tôi còn nhớ được”.

Trận thư hùng “rắn chúa” và “khuyển vương”

Đặt chân đến đảo ngọc Phú Quốc, “đặc sản” mà bất cứ khách lạ nào được người bản địa “thết đãi” là trận chiến giữa 6 chú chó Phú Quốc và con mãng xà khổng lồ ở suối Tranh. Câu chuyện này như một truyền thuyết đến bây giờ vẫn chưa có lời giải. Bởi những nhân chứng sống đã “hai năm mươi”, đã về thế giới bên kia. Ông Ba cho biết, khi mà nỗi lo sợ, hoang mang của người dân lên cực độ thì câu chuyện về 6 chú chó Phú Quốc đã khiến người ta cảm thấy nhẹ lòng. Ngày ấy, đảo ngọc còn rừng rậm và nhiều động vật hoang dã. Những thợ săn trong đó thợ bắt rắn nhiều vô kể. Khi gặp rắn hổ mang, cạp nia, cạp nong… thì họ sung sướng lắm, sẵn sàng lao vào “thu phục”. Tuy nhiên, khi đối diện rắn hổ mây, bất cứ ai cũng tìm cách rút cho nhanh.

Đối với bất cứ thợ săn ở Phú Quốc, cộng sự đắc lực nhất của họ là chó xoáy. Những chú chó này sinh ra đã có tính chiến đấu và biết đi săn. Chúng không chỉ biết phát hiện con mồi cách xa hàng cây số mà còn chủ động dồn mồi vào nơi có bẫy. Trong mỗi chuyến đi săn “giọt máu” của rừng, các thợ săn đều mang theo 2-3 chú chó đi cùng. Ánh mắt nhìn về phía xa xăm, nơi những ngọn núi trập trùng nối đuôi nhau chạy tít phía chân trời, ông Ba Thành nhớ lại: Câu chuyện này tôi cũng chỉ được nghe chứ không tận mắt chứng kiến. Mấy chục năm trước, một thợ săn dẫn “khuyển vương” vào rừng săn bắn. Ngày ấy, ba chú chó xoáy của gã thợ săn này được giới “ăn bám rừng” phong là tinh quái và có nghề nhất. Chúng có thể tự săn hoặc dồn con mồi về họng súng của chủ. Lúc ấy, người thợ săn chỉ việc bóp cò, con mồi sẽ được “cộng sự” cắp về.

Lúc ấy vào khoảng 2h chiều, khi thợ săn này đo đến suối Tranh thì bỗng nhiên ba chú chó dừng lại, nhìn về hướng tảng đá sủa inh ỏi. Chúng gầm gừ và thỉnh thoảng lùi chạy, tuyệt nhiên không dám lại gần. Tưởng lũ chó gặp cọp, người thợ săn chạy đến xem sự thể thế nào. Khi đến nơi, ông ta “đơ” người, cầm khẩu súng trên tay mà không thể giơ lên ngắm bắn, chân cũng không nhấc lên được. Trước mặt người thợ săn là con rắn hổ mây màu xám mốc đang cuộn trên một tảng đá lớn. Mãng xà dài thượt, thân mình lớn hơn cái phích nước. Sau một phút trấn tĩnh, gã buông súng cứ nhắm hướng cổng rừng mà chạy. Quên hết mệt mỏi, người này chạy về làng báo tin. Thấy khuôn mặt tái xanh, cắt không còn giọt máu, người dân biết ngay ông ta đã gặp “rắn chúa”.

Nhiều người thấy vậy, rất hốt hoảng và sợ hãi. Khi đã “hoàn hồn”, người thợ săn kia nhớ lại mình đã bỏ rơi ba “cộng sự” trong rừng. Ông này liền kêu gọi các thợ săn khác vào giải cứu chó xoáy. Sau khi đấu tranh tư tưởng, hơn chục người đành mang súng ống, tên nỏ chạy vào rừng quyết giết chết mãng xà. 30 phút băng rừng, họ mới chạy đến nơi suối Tranh. Mãng xà không còn nằm trên tảng đá nữa. Khi đó, tất cả mọi người đều bất ngờ vì có tận sáu chú chó xoáy đang đánh hơi lùng sục rắn. Thì ra, sau khi biết không đủ sức chiến đấu, ba “cộng sự” của người thợ săn này đã “gọi” thêm “viện binh” đến hợp sức chiến đấu. Gần 10 phút sau,  một chú chó tiến đến một chiếc cây lớn sủa báo hiệu. Năm con “khuyển vương” còn lại hối hả chạy đến. Con mãng xà khổng lồ đang quấn mình ở thân cây, đầu sà xuống gần mặt đất để chực nuốt đối thủ.

“Tôi nghe các cụ kể lại, lúc đó, mấy người cầm súng ống trên tay nhưng không dám xông vào giết rắn. Họ đứng bất thần nhìn đàn chó quây quanh “thần chết”. sáu chú chó săn “chiến đấu” như có sự phân công rõ ràng. Hai con làm nhiệm vụ đứng đằng trước nhử cái đầu của con mồi hướng về mình. Hai con phía bên sườn và hai con đằng sau con rắn thi nhau dùng hàm răng sắc khỏe như những lưỡi dao tấn công vào sống lưng rắn. Đến khi con rắn không chịu được đã thả mình truy đuổi mấy chú chó phía sau thì đằng trước, bốn con chó xông vào tấn công. Khoảng hơn 40 phút quần thảo, con rắn chỉ ngoi được cái đầu còn thân mình nằm yên bất động. Nó đã bị sáu con chó cắn gãy sống lưng”, ông Ba Thành hào hứng. Tuy nhiên, khi mãng xà đã bị hạ, chỉ ba chú chó còn gượng dậy chạy nhảy được. ba con chó xoáy còn lại đã bỏ mạng vì dính phải nọc độc của rắn hổ mây. Trong ba con “khuyển vương” “tử trận” có đến hai con là của người thợ săn kia. Nhìn “cộng sự” của mình vẫy đuôi lần cuối, từ biệt chủ, người thợ săn rơi nước mắt. Không ít người chứng kiến sự việc đó vừa thương tiếc chó săn vừa cảm thấy vui mừng vì “rắn chúa” đã có “khuyển vương” là đối thủ.

Theo ông Ba, sau đó, con “rắn chúa” đã được người dân gánh mang về. Nó được bán cho một người ở Hà Tiên (Kiên Giang) ngâm rượu làm thuốc chữa bệnh. Người thợ săn liền đi đào hố, chôn ba chú chó “tử trận” xuống. Cũng từ lúc ấy, biết chó đã gánh nạn thay chủ, ông buông súng và không bao giờ vào rừng xanh nữa. Ông Ba bảo, nếu còn sống, bây giờ người thợ săn đó cũng đã hơn 80 tuổi. Hiện nay, ở Phú Quốc, những người còn đi săn chỉ tính trên đầu ngón tay. Một phần nghề săn bắn động vật hoang dã đã bị Nhà nước cấm và nó cũng không đủ để đáp ứng cuộc sống nữa. Điều quan trọng hơn, nhiều người sợ rằng một ngày nào đó mình sẽ gặp phải “thần chết” giữa rừng.

 

Theo Infonet
 

Video hay

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử