Bộ đội ‘nhường cơm sẻ áo’ cho Lào chống dịch

11:06 | 20/04/2020

Căng mình trên gần 200 km biên giới, thiếu thốn cả giấc ngủ, nhưng ngay khi được tiếp tế, bộ đội biên phòng Việt Nam nghĩ: “Phải giúp các bạn Lào”.


Đường biên bước sang giai đoạn căng thẳng mới: biên giới Việt-Lào bị đóng, và các lao động Việt Nam chưa về nước kịp bắt đầu tìm cách vượt biên qua đường mòn.

Nhiều chiến sĩ thức đêm ròng rã 2 tháng canh gác. Chốt sát biên giới ở cửa khẩu phụ Thanh được lập từ ngày 5/2, thời điểm tỉnh Quảng Trị có quyết định đóng cửa khẩu phụ và đường mòn lối mở, không cho phép người dân qua lại biên giới.

Phía bên kia dòng Sê Pôn – biên giới tự nhiên giữa hai nước – Đại đội 322 của Bộ đội biên phòng Lào cũng căng mình giữ đường biên. Nhiệm vụ khó khăn tương đương, nhưng từ bên này, bộ đội Việt Nam nhìn sang và biết, nước bạn nhiều thiếu thốn vật chất hơn mình.

Chốt chống dịch của biên phòng Quảng Trị bên dòng Sê Pôn ở xã Thanh.

Khúc sông Sê Pôn chảy qua xã Thanh chứng kiến thăng trầm và là nhân chứng đặc biệt cho tình bạn Việt Lào. Ở đó có “cuộc tranh chấp rừng ma” kéo dài suốt 32 năm.

Năm 1977, khi xác định lại biên giới, bản A Ho của xã Thanh bỗng… mất rừng ma. Khu rừng thiêng chôn người quá cố của đồng bào Vân Kiều, do địa giới mới, đã nằm bên nước bạn Lào, thuộc đất bản Đen Vi Lay, xã Mường Noòng, tỉnh Savanakhẹt. Người bản A Ho, bao đời cha ông đã nghỉ trên khu rừng ma ấy, khi có người chết vẫn vượt sông sang chôn, tạo thành tranh cãi với người của bản Đen Vi Lay.

Đến tận năm 2009, bộ đội biên phòng Quảng Trị và bộ đội biên phòng Mường Noòng mới “làm mai” cho A Ho và Đen Vi Lay trở thành cặp bản kết nghĩa. Mô hình kết nghĩa bản-bản ra đời ở Quảng Trị từ năm 2004, trở thành một liều thuốc hóa giải nhiều vấn đề an ninh biên giới. Suốt nhiều năm, không chỉ “kết nghĩa”, biên phòng Quảng Trị còn liên tục hỗ trợ vật chất cho bà con nghèo bên nước bạn, tặng cây con giống, siết chặt mối quan hệ.

Chính quyền Hướng Hóa khẳng định rằng đến giờ, nhờ cuộc kết nghĩa và những vận động sau đó, A Ho và Đen Vi Lay đã có 2 khu rừng ma riêng biệt. Đồng bào hai bên tự khoanh vùng và bảo vệ rừng ma cho nhau.

Tháng 4/2020, dòng Sê Pôn mùa nước cạn lại trải qua những tháng ngày không yên tĩnh. Nước sông khô, nhiều đoạn ngập đến đầu gối, người vượt biên chỉ cần lội qua là về đến Việt Nam.

Dân cư ở Hướng Hóa đa phần là người Vân Kiều, đời sống kinh tế thấp. Nhiều người ở đây sang thuê đất ở Lào để trồng chuối. Việc “vượt biên” với nhiều người trở thành thông lệ. Một số người phản ứng tiêu cực với bộ đội kiểm soát đường biên.

Sự vất vả dễ nhìn thấy từ hoạt động của bộ đội biên phòng Việt Nam phía bên này. Những ngày đầu lập chốt, nhịp sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn. Chốt căng bằng nhà bạt chỉ cao quá đầu người. Buổi ngày thì nóng hầm hập, đêm gió lộng, côn trùng, rắn rít nhiều vô kể. Việc ăn uống cũng không còn giờ giấc quân ngũ như trước. Các anh tranh thủ chia nhau trực rồi về Trạm kiểm soát cách đó khoảng 1 km để ăn cơm. “Lượng người vượt biên tăng từ đầu tháng 4. Vất vả nhất là anh em thay nhau thức trắng đêm để tuần tra, canh gác”, thiếu tá Lê Văn Thảnh, Quyền trạm trưởng Trạm kiểm soát cửa khẩu phụ Thanh kể.

Đầu hôm, các chiến sĩ họp bàn kế hoạch, chia ca trong đêm để thức trực và tuần tra. Giờ tuần tra thay đổi theo từng đêm. Hai chiến sĩ biên phòng mang áo quần thường phục, đi tuần dọc sông Sê Pôn để phát hiện và ngăn chặn vượt biên.

Giấc ngủ của bộ đội mùa dịch.

81 lán trại như thế được lập dọc theo 179 km đường biên giới với Lào của Quảng Trị, tức là trung bình mỗi chốt phụ trách hơn 2 km địa hình hiểm trở. Theo biên phòng Quảng Trị, trong 10 ngày đầu tháng 4, tỉnh này đã phát hiện 32 người vượt biên trái phép.

Giữa tháng 4, độc giả VnExpress, thông qua Quỹ Hy vọng, đã gửi tặng biên phòng Quảng Trị hơn 2.000 bộ đồ bảo hộ, 6.000 găng tay y tế và gần 1.500 khẩu trang vải chống giọt bắn. Các đối tác của Quỹ Hy vọng gửi đến biên giới hơn 1.000 thùng sữa và nước đóng chai.

Kế hoạch sử dụng số hàng tiếp tế này được đại tá Lê Văn Phương, Chỉ huy trưởng Biên phòng Quảng Trị vạch ra gần như ngay lập tức: một phần sẽ gửi tặng bộ đội và người dân bên kia biên giới.

Ngay từ tháng 3, mặc dù không dư dả, những người lính phía Đông dòng Sê Pôn đã liên tục chở những chuyến hàng sang cho bộ đội và người dân nước bạn. Khẩu trang, đồ bảo hộ y tế tặng bộ đội Lào chống dịch, gạo và thực phẩm tặng cho người dân nghèo biên giới.

“Người dân sát biên giới Việt Nam – Lào thường qua Việt Nam để đi chợ, vì chợ Việt Nam thuận tiện đường sá hơn. Việc đóng cửa biên giới khiến người dân và cơ quan chức năng Lào gặp khó khăn trong tiếp tế lương thực, thực phẩm. Hơn nữa, Lào cũng đang thiếu nhiều trang bị bảo hộ. Việc mình hỗ trợ lực lượng chức năng Lào bây giờ là rất cần thiết và ý nghĩa. Giúp bạn Lào cũng chính là giúp mình”, Đại tá Phương giải thích.

 

Theo VNE

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

Nhiều hoạt động đặc sắc, hấp dẫn tại Năm du lịch Tuyên Quang 2024

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Về 41 di sản độc đáo tại Hà Tĩnh không thể kiểm đếm vì vấn đề… “tâm linh”

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Lần đầu tiên “Xuân Quê hương” được tổ chức với quy mô lớn tại Bắc Australia

Chuyện về 41 di sản độc đáo tại Chùa Am, Hà Tĩnh: CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC VÀ TIẾNG NÓI CHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU TRỌNG VĂN HOÁ

Chuyện về 41 di sản độc đáo tại Chùa Am, Hà Tĩnh: CƠ QUAN CHỨC NĂNG VÀO CUỘC VÀ TIẾNG NÓI CHÂN CHÍNH CỦA NHỮNG NGƯỜI YÊU TRỌNG VĂN HOÁ